Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc – một thế giới sống và chiến đấu ở trong lòng đất, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến. Đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, du khách sẽ cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Quảng Trị trong những năm chiến tranh.
Địa đạo Vịnh Mốc thuộc địa phận thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cách bãi tắm Cửa Tùng 7 km về phía Bắc. Từ thành phố Đông Hà, mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo Quốc lộ 1A hướng ra phía Bắc rồi rẽ vào nhánh đường nhỏ xuống biển sẽ đến được địa đạo Vịnh Mốc. Trên con đường rợp bóng tre xanh mát, có lẽ ít ai biết được rằng ngay bên dưới chân họ là cả một hệ thống địa đạo, “một thế giới” ngầm của quân và nhân dân Vĩnh Linh trong suốt những năm kháng chiến từ 1965 đến 1972.
Vào những năm 1965, trước sự tàn phá của không quân và pháo binh Mỹ, vùng quê Vịnh Mốc bị hủy diệt hoàn toàn. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài”, quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh. 114 địa đạo này có tổng chiều dài gần 42km. Trong rất nhiều căn cứ cách mạng trên “đất lửa” Quảng Trị thì hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.
Công trình được bắt đầu từ đầu năm 1965 và được hoàn thành vào ngày 18/02/1966 nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển. Điều đặc biệt là vị chỉ huy công trình này (công trình sư) lúc bấy giờ học vấn của ông chỉ vừa hết tiểu học. (Hiện nay ông là cựu trung tá đang tá túc ở thành phố Đông Hà và bị mù do ảnh hưởng bởi vết thương trong chiến tranh.
Toàn bộ hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước 0.9m x 1.75m, dài 2.034m, bao gồm nhiều nhánh thông với nhau qua trục chính dài 870m. Địa đạo có 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi. Hơn nữa, các cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, được ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng.
Mặt bằng của đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được đào cao hơn 5m so với mực nước biển, nghiêng từ 8 – 120 độ từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để nước dễ thoát, không bị đọng lại trong địa đạo, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra được bình thường kể cả vào mùa mưa. Nhờ đó mà đất sét trong hầm ngày càng cứng hơn khiến cấu trúc địa đạo Vịnh Mốc vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Đây không chỉ là làng hầm chiến đấu đơn thuần như các công trình khác, mà còn là không gian sống ngầm của bộ đội và người dân địa phương. Họ đã biến lòng đất thành những pháo đài vững chãi với 3 tầng thông nhau. Tầng một sâu 8 – 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn. Tầng 2 cách mặt đất từ 12 đến 15m là nơi sinh sống của dân làng. Tầng 3 sâu hơn 23m, dùng làm kho chứa lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ chiến đấu cho quân và dân địa đạo Vịnh Mốc.
Đặc biệt, dọc hai bên đường hầm khoét sâu 1.8m và rộng 0.8m thành những ô nhỏ, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3 – 4 người có thể sinh hoạt được. Bên trong hầm còn có một hội trường dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim với sức chứa lên đến hơn 50 người.
Với những giá trị lịch sử to lớn đó, năm 1976, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2014, di tích địa đạo Vịnh Mốc tiếp tục được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.