Nhà hát lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc lớn tại Hà Nội và được xây dựng với mục đích phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật.
Nhà hát lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào năm 1901, và sau 10 năm mới hoàn thành. Tuyệt tác nghệ thuật được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Broyer và Harley, về sau có thêm sự cộng tác của kiến trúc sư François Lagisquet, họa theo mô hình nhà hát Opéra Garnier nguy nga ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Vì thế, Nhà hát lớn Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu cổ điển, hoàn hảo đến từng chi tiết, đem lại không gian nghệ thuật hàn lâm và sang trọng bậc nhất Đông Dương.
Mặc dù nhà hát lớn là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, pha trộn giữa nhiều phong cách nhưng Nhà hát lớn vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp. Dáng vẻ tân cổ điển ấy thể hiện rõ nhất ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng được lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí ở bên trong vô cùng độc đáo, tinh tế. Đây được xem là nhân chứng rõ ràng nhất cho cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa – nghệ thuật phương Tây cụ thể là âm nhạc và sân khấu.
Kiến trúc độc đáo.
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, nhìn ra phố Tràng Tiền – khu vực sầm uất bậc nhất thủ đô, với diện tích xây dựng khoảng 2.600m2. Đặc biệt, bên phải nhà hát là khách sạn Hilton Hanoi Opera, cũng là một công trình của Pháp. Những đường nét cổ điển của khách sạn đã giúp làm cho toàn bộ không gian của quảng trường thêm sang trọng, bề thế, và làm tôn lên vẻ đẹp của Nhà hát lớn. Nhà hát lớn Hà Nội được phỏng theo mẫu của Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, nhưng tầm vóc nhỏ hơn. Các vật liệu sử dụng trong công trình cũng được thay đổi để phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Từ cách tổ chức mặt bằng, đến cách bài trí, thiết kế của Nhà hát lớn Hà Nội đều tương đồng với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.
Nhà hát lớn là sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa các kiểu kiến trúc châu Âu lúc bây giờ, và được chia thành ba khu vực rõ rệt: sảnh chính, phòng gương, và khán phòng.
Sảnh chính là nơi đón khách, với phần cầu thang chữ T dẫn lên tầng hai. Phần nền ở khu vực này được lát bằng đá vân thạch, kết hợp họa tiết cổ điển cực kỳ sang trọng.
Khu vực tầng hai chính là phòng gương, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, các sự kiện của Chính phủ hay những buổi đón tiếp các nhân vật cấp cao. Điểm chú ý là sàn phòng gương được phục chế theo kỹ thuật lát gạch Mosaic với phần đá nhập từ Ý. Xen giữa các khung cửa trong phòng là những tấm gương lớn, cùng dàn đèn pha lê tuyệt đẹp được treo khắp phòng.
Không gian trên cùng, cũng là nơi được quan tâm nhiều nhất, đó là khán phòng của nhà hát. Căn phòng được thiết kế cầu kỳ, tinh xảo với thức cột Corinth nâng đỡ toàn bộ mái vòm bích họa đầy màu sắc, xen kẽ những họa tiết đắp nổi, cùng một khối đèn chùm pha lê dát vàng nguy nga ở giữa. Khán phòng có sức chứa 870 chỗ, với ba tầng ghế được bọc nhung đỏ lộng lẫy theo phong cách cổ điển Pháp ở thế kỷ 19. Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội là sự tổng hòa về âm thanh, ánh sáng, và màu sắc, đem lại một không gian thưởng thức nghệ thuật hoàn hảo đến từng chi tiết.