Nằm trên đảo Ngọc trong lòng hồ Hoàn Kiếm, quần thể di tích đền Ngọc Sơn không chỉ sở hữu kiến trúc độc đáo mà còn là biểu tượng văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hà Nội.
Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền cổ có mặt từ thế kỷ XIX, mà theo văn bia trong đền ghi lại thì đền được khởi xây vào mùa thu năm 1841. Ngôi đền này trải qua nhiều lần xây, sửa, đổi tên và trong lần đại trùng tu vào năm 1865, nhiều công trình ý nghĩa được xây thêm, bao gồm: Đình Trấn Ba, Cầu Thế Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, oai nghiêm giữa Hồ Hoàn Kiếm. Trải qua nhiều biến động của lịch sử Đền Ngọc Sơn đã gắn liền với nhiều giai đoạn phát triển và đổi mới của dân tộc. Ngôi đền này được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào năm 2013.
Kiến trúc đền Ngọc Sơn.
Kiến trúc của đền Ngọc Sơn thể hiện khá rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo qua nghìn năm văn hiến. Đó là một điển hình về không gian và kiến trúc tuyệt tác. Được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam, đền Ngọc Sơn là nơi thờ thần Văn Xương Đế Quân (chủ quản văn chương, khoa cử) và thờ đức thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, nơi đây cũng thờ Phật A-di-đà, Lã Động Tân, Quan Vân Trường. Qua đó thể hiện rất rõ quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của người Việt với ý nghĩa đoàn kết, hòa hợp tôn giáo. Sự hòa hợp của các tôn giáo này không chỉ thể hiện rõ ở việc thờ cúng mà còn trong cả kiến trúc, xây dựng, hệ thống câu đối, hoành phi, vật bài trí ở đền Ngọc Sơn.
Ngày nay, Đền Ngọc Sơn không chỉ là chốn tâm linh đơn thuần, mà còn là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, thu hút du khách bởi nét cổ kính, trầm mặc, biểu trưng cho nền văn hóa lâu đời của mảnh thủ đô Hà Nội. Đền Ngọc Sơn luôn được nhắc đến như một nơi linh thiêng, đã tồn tại cùng với thăng trầm của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Ngôi đền này không chỉ mang nét đẹp cổ kính mà còn có ý nghĩa tâm linh rất lớn với người dân địa phương.