Nằm ở khu trung tâm phố cổ sầm uất, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của những năm tháng chống thực dân Pháp oanh liệt. Nơi đây mang trong mình những ký ức, lúc thăng trầm khi huy hoàng của lịch sử Hà Nội, cùng sự biến chuyển không ngừng của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tọa lạc ở phường Lê Thái Tổ, phía Đông Bắc của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quảng trường là điểm giao thoa của 5 con phố nổi tiếng thủ đô là phố Lê Thái Tổ, Phố Hàng Đào, Phố Hàng Gai, Phố Đinh Tiên Hoàng và Phố Cầu Gỗ. Nơi đây đã trở thành phố đi bộ và là địa điểm quen thuộc diễn ra các sự kiện văn hóa lớn của thành phố. Quảng trường được xây dựng đơn giản nhưng không kém phần hiện đại khi được trang bị các thiết bị phun nước, hệ thống đèn led chiếu sáng nhiều màu tạo nên vẻ đẹp lung linh khi màn đêm buông xuống.
Lịch Sử Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở quá khứ có thể nói là một nỗi ám ảnh của người dân thủ đô, khác hẳn hoàn toàn so với vẻ nhộn nhịp hiện nay. Khu vực quảng trường trước đây vốn là một bãi đất trồng dừa được người Pháp trưng dụng làm quảng trường trung tâm của Hà Nội và cũng là địa điểm hành quyết các sĩ phu yêu nước. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cuộc hành hình năm 1883 của ông Tạ Văn Đình và Thủ khoa Nguyễn Cao năm 1887.
Đến năm 1907 Lương Văn Can và Nguyễn Văn Vĩnh cùng các sĩ phu yêu nước khác đã thành lập một ngôi trường tư mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục để dạy chữ Quốc ngữ cho các học trò trong thời kỳ Pháp Thuộc. Sau này ngôi trường trở thành địa bàn hoạt động của thành phần sĩ phu yêu nước trên khắp Hà Nội và các khu vực lân cận.
Năm 1954 người Pháp đã quy hoạch lại, cho xây dựng đài phun nước ở trung tâm quảng trường. Đến thập niên 60 - 70 thì được trồng cây, xây thêm bệ và đặt lên phía trên một cột đồng hồ. Cột đồng hồ sau này được thay đổi đặt ở vòng xuyến cầu Chương Dương. Địa điểm trải qua rất nhiều sự thay đổi về cấu trúc để có được diện mạo như ngày nay.
Ý Nghĩa Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục
“Đông Kinh” ở đây chính là tên gọi của Kinh thành Thăng Long xưa, “Nghĩa Thục” chỉ ngôi trường dạy việc nghĩa vì chính nơi đây đã đào tạo ra rất nhiều sĩ phu yêu nước. Có thể nói Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô Hà Nội còn Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính là “mạch máu” dẫn đến nơi đó. Vào những dịp đặc biệt như Lễ, Tết hoặc sắp diễn ra các sự kiện lớn, quảng trường sẽ được trang trí thật sinh động, bắt mắt trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo người dân và du khách quốc tế. Hầu hết du khách đến đây đều nán lại chụp ảnh kỷ niệm với địa điểm đã tồn tại hàng trăm năm này - Nơi chứng kiến quá trình thay đổi ngoạn mục của Hà Nội theo thời gian. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thời hiện đại là một di sản sống phục vụ cho đời sống văn hóa đậm chất Hà Nội.