Chùa Kiến Sơ

Tọa lạc bên tả ngạn sông Đuống (tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), chùa Kiến Sơ từ lâu được phật tử biết đến là một ngôi chùa cổ, linh thiêng. Chùa nằm sát cạnh đền Gióng, nơi diễn ra lễ hội Gióng nổi tiếng.

Nơi phát tích của thiền phái Vô Ngôn Thông

Hiện nay, truyền thuyết về thời gian xây dựng chùa Kiến Sơ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Tương truyền, chùa được một phú hào ở địa phương vì mộ đạo Phật, nên đã bỏ tiền ra xây dựng. Sau đó, vị phú hào này mời vị sư tên là Lập Đức đến trụ trì. Không lâu sau, vào năm Canh Tý (820), thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam và tu tại chùa cho đến khi ngài viên tịch.

Theo các tài liệu để lại, thiền sư Võ Ngôn Thông họ Trịnh, người Quảng Châu, xuất gia tu Phật từ nhỏ. Tính tình sư trầm lặng, ít nói nhưng lại rất thông minh, nhận thức nhanh, nên người đời đặt cho hiệu là Vô Ngôn Thông. Đến nay, vẫn tồn tại rất nhiều huyền tích xung quanh vị sư này khi ngài sang và ở Việt Nam. Chuyện kể rằng, khi đến tu tại chùa, suốt mấy năm liền, mỗi ngày ngoài hai bữa cháo ra, vị sư này đều dành hết thời gian cho việc tu đạo.

Hàng ngày, sư quay mặt vào vách thiền định mà không nói năng gì. Mọi người không biết nên không chú ý đến sư. Duy chỉ có Lập Đức là biết sư không phải người thường, nên ngày ngày giữ lễ và hết lòng chăm sóc. Cảm tấm lòng người phật tử xứ Nam, sư truyền cho tâm pháp và phương pháp tu tập. Sư đổi pháp hiệu cho Lập Đức là Cảm Thành. Từ đó, một dòng thiền rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ra đời. Sư viên tịch năm 826, khi tu ở chùa Kiến Sơ được 6 năm.

Chúng đệ tử sau đó hỏa thiêu và thu hài cốt của sư vào tháp để thờ ở núi Tiên Du (nay, núi này thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Từ khi được truyền vào Việt Nam, dòng thiền này phát triển rất mạnh mẽ, được các tầng lớp từ vua chúa đến dân nghèo tin theo. Dòng thiền này có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tư tưởng trong suốt 4 triều đại là Đinh, Lê, Lý, Trần và góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Việt.

Chính điện chùa Kiến Sơ.

Trong quá trình phát triển hơn 4 thế kỉ, thiền phái Vô Ngôn Thông truyền được 17 thế hệ với những đại sư mà tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử như: Đa Bảo, Viên Chiếu, Lý Thái Tông, Mãn Giác, Không Lộ… Đây đều là những vị cao tăng đắc đạo, nổi tiếng trong lịch sử không chỉ ở lĩnh vực Phật pháp, mà còn ở lĩnh vực chính trị. Hơn nữa, thiền phái này cùng với phái Thảo Đường và phái Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi trở thành ba dòng thiền lớn nhất Việt Nam trong suốt 6 thế kỉ (từ thế kỉ VII – XIV). Chính thiền phái này là cơ sở, nền tảng hình thành nên thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng sau này.

Trải qua hơn một ngàn năm lịch sử, hậu thế không còn nhớ được tên ban đầu của chùa nữa. Sử sách cũng không ghi chép cụ thể nên không ai biết tên Kiến Sơ có từ bao giờ. Người ta giải thích tên chữ Kiến Sơ là nơi gặp gỡ ban đầu. Ý nghĩa là, ngôi chùa này là nơi gặp gỡ ban đầu giữa sư Vô Ngôn Thông và sư Lập Đức; cũng hàm nghĩa dòng thiền Vô Ngôn Thông ban đầu nảy nở và phát triển trên đất Việt chính từ nơi đây.

Nơi tu Phật của vị vua đầu triều Lý

Qua các thư tịch cổ để lại thì, thuở nhỏ Lý Công Uẩn tu tại chùa Cổ Pháp (nay ngụ tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), sau theo học Phật với thiền sư Vạn Hạnh và được thiền sư này dạy dỗ, kèm cặp từ nhỏ. Với bản tính thông minh ham học, vị vua tương lai này thường xuyên vào chùa Kiến Sơ học thiền và tu tập thiền định. Trụ trì chùa khi đó là sư Đa Bảo đã nhận ra cốt tướng khác thường của ông và phán rằng, trong tương lai ông nhất định sẽ làm vua một cõi.

Hiện nay, chùa Kiến Sơ còn lưu giữ nhiều huyền tích về vị vua nổi tiếng này. Người dân vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện vị vua bị truy đuổi và được nhà chùa giúp đỡ. Ni sư trụ trì chùa hiện nay là Thích Đàm Chuyên cho biết: “Vào thời tiền Lê, trong dân gian có truyền nhau câu sấm nói rằng, một người họ Lý, dưới chân có chữ Vương, sau này nhất định sẽ thay thế nhà Lê. Bởi vậy, vua Lê thời đó đã cho người truy lùng rất gắt gao và tìm mọi cách giết cho được Lý Công Uẩn. Để trốn cuộc truy sát, Lý Công Uẩn đã phải ẩn mình ở chùa Kiến Sơ”.

Nguồn: kientrucviet

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội
Quản lý: Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thầy: Thiền sư Vô Ngôn Thông

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí