Di tích lịch sử văn bia “Quế Lâm ngự chế” là nơi ghi dấu chiến công, minh chứng thời kỳ lịch sử của vị Vua trẻ hùng tài, đại lược Lê Thái Tông (1423 - 1442) đã hai lần lên miền sơn cước dẹp quân phản loạn giữ bình yên cho bờ cõi giang sơn vào tháng 3 năm Canh Thân 1440 và 1441.
Vua Lê Thái Tông đã để lại nơi đây bút tích một bài thơ bằng chữ Hán "Quế Lâm Ngự Chế" được khắc trên một vách đá nhằm khẳng định sự thống nhất của đất nước và mong muốn thiên hạ thái bình. Trải qua hơn 500 năm dãi dầu mưa nắng cùng những biến động của lịch sử những nét chữ khắc tạc vào vách đá vẫn còn rõ nét.
Đền thờ Vua Lê Thái Tông mang dáng dấp kiến trúc đền cổ Việt Nam với các họa tiết mang đậm nét tâm linh của dân tộc, được khởi công tháng 9/2001, khánh thành 22/01/2003 để ghi nhớ công đức của nhà vua, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân địa phương.
Đền được khởi công xây dựng tháng 9 năm 2001 và khánh thành vào 22 tháng 1 năm 2003, theo hướng Nam Chếch Đông, xây theo thế "Tiền giang hậu trẩm" lưng tựa vào núi Cằm tạo sự vững chắc thế uy nghiêm cho ngôi đền, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa. Đền xây hướng Nam đón được những cơn gió mát mẻ mùa hè, song lại tránh được những đợt gió bấc của mùa đông, đồng thời chếch một chút Đông nên đón được những tia nắng ban mai, thứ ánh sáng thuần khiết của nguồn năng lượng vũ trụ, đó là dương khí của đất trời.
Ngôi đền có diện tích hơn 800m2, theo lối kiến trúc truyền thống của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả, hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.
Di tích được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia ngày 05/02/1994.