Gần 1.000 năm trước, sử sách đã ghi lại rằng, Yên Tử được coi là “Phúc địa thứ 4 của Giao Châu”. ngoài ra, nhiều tài liệu lịch sử đều thống nhất ghi nhận “Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ”.
Chính sự linh thiêng, huyền bí ấy mà từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ trước Công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi đây tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa tháp và nhiều công trình khác.
Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, bia, tượng, như: chùa Bí Thượng, Suối Tắm, Cầm Thực, Chùa Lân, Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sái, Một Mái, Chùa Đồng...; các am Lò Rèn, Am Hoa, Am Dược, Am Diêm, Am Muối, am Thiền Định, Thác Ngự Dội; Đường Tùng, Hòn Ngọc, Vườn tháp Huệ Quang, Tượng đá An Kỳ Sinh, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông... Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài hàng chục km, tạo thành Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mang tầm Quốc gia và Quốc tế.
Hiện nay, Khu Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.