Quần thể Di tích đền Sóc gắn liền với với huyền thoại Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm, nằm trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh thuộc địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đền được xây dựng từ thời vua Lê Đại Hành, vào khoảng năm 980. Giữa một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi, đền Sóc mang vẻ đẹp vừa cổ kính, thâm nghiêm vừa thơ mộng, thoáng đãng khiến cho không ít khách du lịch ngỡ ngàng, thích thú: bước chân đi dưới những hàng cổ thụ râm mát, trong làn khói hương trầm thơm ngát mà như lạc bước vào xứ sở huyền thoại thuở nào. Quần thể gồm 7 công trình kiến tạo. Mỗi công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật riêng, đó là: Đền Trình, đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, khu nhà Bia (lăng bia đá 8 mặt), chùa Non và khu tượng đài Thánh Gióng.
Đền Trình mở đầu cho một thế giới linh thiêng bằng những gốc đa xù xì. Đặc biệt trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những hoạ tiết cầu kỳ, đẹp mắt. Bên cạnh đền Trình là chùa Đại Bi với mái vòm uốn cong hai đầu, những cánh cửa nguyên màu sơn son, hoành phi, câu đối thếp vàng đẹp lộng lẫy và uy nghiêm, tạo cho nếp chùa tuy nhỏ nhưng vẫn mang vẻ độc đáo, riêng biệt. Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu là nơi thờ mẹ Thánh Gióng, ẩn mình dưới bóng cổ thụ hàng trăm năm. Cảnh đền thanh tịnh, nghi ngút khói hương. Phía sau bức tường đền được phủ bởi những lớp đá cuội lồi lõm, gợi cảm giác huyền bí, cổ xưa.
Điểm nhấn của Di tích là đền Thượng, nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương và các vị thánh, thần. Đền Thượng có kiến trúc, bố cục mặt bằng hình chữ "công”, bao gồm: tiền tế, trung từ, hậu cung. Mái đền lợp ngói mũi hài kiểu cổ. Hệ thống đao cong chồng diên hai tầng, tám mái tạo sự thoáng mát. Mái đền có kiến trúc "độc nhất vô nhị” tại các nơi thờ tự của người Việt đó là 2 lần "lưỡng long chầu nguyệt”. Đền có 5 gian, 2 dĩ, kết cấu bằng gỗ lim, chạm khắc tinh xảo, cân xứng thể hiện phong cách, kiến trúc đặc trưng đền, chùa của người Việt. Du khách đến đây không chỉ cảm nhận được không gian trong lành, thanh tịnh mà còn cầu Thánh phù hộ độ trì, ban cho sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mọi việc hanh thông, tươi tốt.
Hậu cung là nơi thờ đức Phù Đổng Thiên Vương cùng nhiều vị thánh, thần. Ngai thờ, án hương được xây bằng vôi, mật mía, giấy bản, muối và đá núi. Đây là hình ảnh tượng trưng thu nhỏ 99 ngọn núi của hệ Tam Đảo chạy về hướng Đông thành ngai thờ. Đã qua 13 lần trùng tu nhưng toàn bộ ngai thờ và tượng vẫn giữ được nguyên mẫu.
Chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự là một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Chùa nằm ở độ cao hơn 110 m so với chân núi, vốn xây dựng trên nền đất chùa cũ từ thời Tiền Lê. Theo phong thuỷ, chùa đặt ở nơi có thế long chầu, hổ phục, nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú của xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Một trong những điểm nhấn nữa của quần thể Di tích này là đỉnh núi Vệ Linh. Tại đây, du khách còn có dịp ghé thăm nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến. Đặc biệt, còn có bia đá ghi lại lịch sử hình thành đền Sóc và lễ hội đền Sóc, giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc của quần thể Di tích này.
Đặc biệt, đến với quần thể Di tích đền Sóc, du khách không thể bỏ qua khu tượng đài Thánh Gióng được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng. Dọc con đường dẫn lên tượng đài Thánh Gióng được bao quanh bởi rừng thông trên 50 năm tuổi, là điểm đầu của các dãy núi thuộc hệ Tam Đảo ở phía Đông với thế "long chầu, hổ phục”, tạo nên cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, một vùng hội tụ khí thiêng của đất trời. Giữa khung cảnh trời đất bao la, tượng đài người tráng sĩ uy nghi, tay cầm gậy thân tre, trên lưng tuấn mã bay vút lên trời xanh thật hiên ngang, vững chãi. Tượng đài Thánh Gióng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam nặng 85 tấn, cao 11,7 mét. Tượng sừng sững vươn cao, biểu thị cho sức mạnh, tinh thần chiến thắng, ý thức tự lực, tự cường, sự khát khao hòa bình của người Việt Nam.
Lễ hội đền Sóc
Hàng năm, cứ đến ngày 6-7-8 tháng Giêng Âm lịch, dân làng mở hội đền Sóc với nhiều nghi lễ cổ xưa, mang đậm nét văn hoá dân tộc, được tái hiện lại trong lễ khai mạc ngày 6 tháng Giêng. Điều đặc biệt nhất ở lễ hội giàu chất huyền thoại này là lễ dâng giò hoa tre. Để tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng đã vót những dóng tre dài thành những bông hoa tre và đặt lên cây kiệu với hàng ngàn bông rước về tấu tại sân Đền Thượng vào ngày 6 tháng Giêng trong giờ khai hội đền Sóc. Hoa tre đã trở thành lộc thánh cho mỗi khách du lịch về hành hương và tham quan khu di tích. Ai có được hoa tre sẽ có một năm sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.
Năm 1962, quần thể Di tích đền Sóc đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc.