Khu du lịch Long Việt

Nằm trong quần thể các di tích và thắng cảnh Ba Vì, Khu du lịch Long Việt đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách tin tưởng ghé thăm. Nơi đây mang nét đẹp đậm chất vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Với định hướng trở thành nơi tái sinh các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt, chủ nhân nơi đây đã cho xây dựng theo lối kiến trúc của miền quê Bắc bộ thời kỳ trước. Các không gian sống tại đây sẽ được bài trí những hiện vật phù hợp, mang đậm dấu ấn vùng quê, thân thương, gần gũi với đời sống sản xuất và văn hóa tinh thần của người con đất Việt.

Nhà Tâm Long

Là ngôi nhà được xây dựng đầu tiên tại Long Việt, nghĩa là Trái tim rồng, cũng là ngôi nhà trung tâm của Long Việt. Không gian chính của ngôi nhà Tâm Long: trưng bày những dòng gốm truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Bên trong gian chính của ngôi nhà 5 gian 2 trái là những tác phẩm Gốm tiêu biểu cùng với hệ thống 3 gian thờ tự. Ở chính giữa là gian thờ Quốc-ban thờ cộng đồng dành cho người dân dâng hương. Bên trên ban thờ bức hoành phi là 3 chữ Hán “ Đức-Lưu-Quang” với ý nghĩa là đức độ tỏa sáng, lưu truyền chữ Đức tới muôn đời sau, cháu con cùng hưởng phúc đức của tổ tông mà hưng thịnh.

Nhà Quan Võ

Bên trên hiên chính của ngôi nhà quan Võ thuờng đặt bộ “Trấp kích” hay còn gọi bộ “Lỗ bộ” là những loại binh khí gắn liền với tầng lớp quan Võ. Bên trong nhà, trên ban thờ gia tiên có thờ tự loại binh khí gắn liền với cuộc đời ông quan Võ (gia chủ) và ở đây Long Việt tái hiện qua hình ảnh của thanh kiếm được đặt trên ban thờ gia tiên.

Nhà Ngọa Long

Nhà Ngọa Long có ý nghĩa là Rồng nằm, nơi nhà trưng bày các loại cổ vật vô giá có niên đại hàng nghìn năm như: Bộ bàn ghế sơn son thiếp vàng, các loại cổ vật từ thời kỳ đồ đá giữa của người Việt cổ, Trống đồng cổ dòng Heger 2 thế kỷ thứ IV, Cổ vật đồ đồng, Tượng Phật,…

Nhà Địa Chủ

Long Việt đã phục dựng hoàn toàn mẫu nhà Địa Chủ thuở xưa, với khoảng sân rất rộng và những chiếc chum vại lớn nhỏ dùng để hứng nước mưa hay làm tuơng, làm mắm, muối cà, phục vụ cho quá trình sinh hoạt hàng ngày. Người Địa chủ thời xưa luôn gắn sự giàu có của mình với hình ảnh “sân gạch-nhà ngói-cây mít”. Bên cạnh đó trong gia đình người Địa chủ còn luôn có “chuối đằng sau, cau đằng trước” với hàng cau ngay trước sân ngôi nhà. Bên góc tay phải là giếng đá ong được Long Việt tạo dựng từ đá ong nguyên khối để tái hiện giếng nhà trong văn hóa làng quê.

Nhà Quan Văn

Nổi bật ở ngôi nhà quan Văn là nét thanh tao, nhẹ nhàng trong khung cảnh. Một điểm khác biệt so với ngôi nhà ông quan Võ là nét kiến trúc “nội chủ ngoại khách” với hai bộ trường kỉ. Bên ngoài hiên chính là không gian tiếp khách chính của quan Văn, bộ trường kỉ trong nhà sẽ là không gian để dành cho gia đình. Chính giữa nhà ông quan Văn là “án thư”- nơi quan Văn làm việc hàng ngày.

Tháp Vân Long

Tòa tháp Vân Long - có nghĩa là Rồng ẩn trong mây, được xây dựng theo lối kiến trúc của tháo Phước Duyên thuộc chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế). Tòa tháp được thiết kế với 7 tầng tháp. Hai bên cửa Tháp là hai ông hướng thiện - trừng ác, là hai vị thần được tôn danh chuyên canh giữ, trấn trước cổng chùa. Nơi đây lưu giữ phần lớn bộ sưu tập 5000 bức tượng cổ với nhiều ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng độc đáo của dân tộc.

Khu Phố Cổ

Khu nhà phố cổ được phục dựng với mục đích giúp chúng ta quay trở về sống lại những giây phút thời khó khăn, để trân quý những giá trị đã có trong quá khứ. Trong nhà phố cổ trưng bày một số vật dụng thời bao cấp, từ mô hình nhà công nhân, nhà thuốc nam, hay nhà may complet của người Pháp, hay cả những cửa hàng nhỏ của những ông đồ già. Những gánh tào phớ rong hay cửa hàng bán đồ mậu doanh vẫn còn y nguyên, là những chậu men, bát sắt ăn cơm thời bao cấp, thậm chí cả những vỏ chăn con công thơm mùi vải vẫn còn được Long Việt lưu giữ mới nguyên.

Nhà Dân Tộc

Mộc mạc và giản dị, những ngôi nhà của các dân tộc thiểu số được Long Việt tái hiện với mong muốn lưu truyền những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản sứ tại mảnh đất Ba Vì. Trong nhà còn bày trí nhiều vật dụng độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa. Những cổng đá, tường đá được xếp hoàn toàn bằng đá được mang trực tiếp từ Lào Cai về phục dựng tại Long Việt.

Tín Ngưỡng Thờ Mẫu

Khu nhà Tín ngưỡng thờ Mẫu được phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Việt Nam với các phục trang dành cho những giá đồng tiêu biểu trong 36 giá đồng được lưu truyền cho đến ngày nay.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Danh lam thắng cảnh
Địa chỉ: Thôn Nghe, Ba Vì, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí