Căn nhà của mẹ Nhu là cơ sở quan trọng trong khu tam giác chiến lược trọng điểm An Khê-Phú Lộc-Thanh Khê trong phong trào cách mạng quận Nhì (Đà Nẵng). Ngày 26-12-1968, để che giấu cho các dũng sĩ Thanh Khê đang ẩn náu trong hầm bí mật tại nhà mình, mẹ Nhu đã mưu trí chiến đấu và anh dũng hy sinh. Từ đây, bảy dũng sĩ Thanh Khê đã chiến đấu ngoan cường, đánh bại âm mưu tiêu diệt lực lượng cách mạng của kẻ địch.
Ông Phạm Phú Lý (73 tuổi) người con trai thứ của Mẹ Nhu đảm nhận việc bảo vệ, chăm sóc di tích cho biết, năm 1985, chính quyền địa phương xây dựng nhà lưu niệm trên nền nhà cũ của Mẹ Nhu. Đến năm 2009, khu nhà được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và được trùng tu, xây dựng lại khá khang trang. Tại đây có trưng bày tài liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê như: sa bàn mô tả trận đánh, bộ quần áo của Mẹ Nhu, chén đĩa và hộp thiếc Mẹ từng dùng để đưa cơm xuống hầm cho các chiến sĩ, nắp hầm bí mật...
Ngoài ra, trong khu lưu niệm còn có mộ Mẹ Nhu và hầm bí mật. Năm 2017, Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê khảo sát thực tế và đã đề nghị các cấp, ngành liên quan đặt biển chỉ dẫn, nâng cấp đường dẫn vào khu di tích, sửa chữa phục dựng hầm trú ẩn...
Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, có rất nhiều trường học trong và ngoài quận đưa học sinh đến tham quan. Đoàn Thanh niên, Hội Tù yêu nước, Biệt động thành phố, Hội Phụ nữ các cấp cũng tìm về di tích nhà Mẹ Nhu để được nghe lại chiến công ngày ấy và bày tỏ lòng biết ơn, cảm phục sự hy sinh của Mẹ cũng như lòng quả cảm của 7 Dũng sĩ Thanh Khê chiến đấu đến cùng để bảo vệ quê hương, đất nước.
Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia theo quyết định số 4699/QĐ - BVHTTDL ngày 28/12/2009 của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.