Lễ hội Aza

Lễ hội Aza Koonh huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những nghi lễ truyền thống, Tết cổ truyền có từ thời xa xưa của đồng bào Pa Cô - Tà Ôi, được tổ chức nhằm tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, chuẩn bị đón một vụ mùa mới.

Tết Aza thường được bắt đầu từ mùng 6/11 âm lịch và kéo dài đến hết ngày 24/12 âm lịch. Mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian này để tổ chức lễ hội Aza.

A Lưới là nơi có nhiều dân tộc như, Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa hi…sinh sống nên lễ hội Aza ở mỗi dân tộc có những nét khác biệt. Nếu như người Tà ôi, Cơ tu chỉ tổ chức trong phạm vi họ hàng, gia đình thì dân tộc Pa cô lại tổ chức với quy mô cấp làng và có hai loại gồm: Aza Kan và Aza Koonh. Aza Kan được tổ chức hàng năm và Aza Koonh được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, do vậy Lễ hội Aza Kan thường được tổ chức đơn giản và ít nghi lễ hơn so với Lễ hội Aza Koonh.

Lễ hội Aza Koonh có nhiều nghi lễ gồm: Lễ tẩy rửa, lễ xua đuổi các linh hồn dữ, lễ chuẩn bị, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho giàng xứ, lễ cúng những người đã khuất; lễ cúng các vị thần che chở đi buôn bán; lễ cúng giàng Azel; lễ cúng vị thần ban tặng con người; lễ ăn cơm mới; lễ giao mâm cỗ và nghi lễ tiễn khách.

Lễ vật để cúng Lễ hội Aza là cơm trắng, xôi, bánh, gà, heo, vịt, dê, hạt giống cây trồng, "tâng họt"- một loại hoa làm từ tre và vải dzèng.
Ngày lễ hội, khi già làng đánh kẻng để báo hiệu, các hộ dân và dòng họ trong làng sẽ cúng tại nhà, sau đó đưa lễ vật đến nhà rông của làng để bắt đầu vào lễ cúng chính thức của Lễ hội Aza Koonh. Đây là dịp để thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây; đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau. Đây cũng là dịp để khẳng định tình cảm gắn bó, thiêng liêng của bà con trong làng.

Với người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi thì lễ Aza là dịp dân làng cùng quây quần bên nhau, ăn mừng cho vụ mùa của năm. Lễ hội với mong muốn trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào… trong vụ mùa mới.

Trước khi bước vào nghi lễ chính, các già làng và đại diện họ tộc sẽ đến tận nhà của mỗi hộ dân để cầu chúc sức khỏe cho những người trong gia đình. Đây là nét văn hóa độc đáo của người vùng cao A Lưới được duy trì trong suốt nhiều năm qua.

Đang tải...

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Lễ hội truyền thống
Địa chỉ: huyện A lưới, A Lưới, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí