Đình làng Hải Châu là một địa điểm du lịch Đà Nẵng được nhiều du khách ghé thăm. Đây là ngôi đình cổ nhất Đà Nẵng, là một di tích lịch sử được nhà nước công nhận. Đình Hải Châu là chùa Phước Hải xưa, nơi chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi (1719) vào Quảng Nam đã dừng chân nghỉ lại. Dân làng sau đó lập bàn thờ ông tại đây. Đặc biệt, lễ hội Đình làng Hải Châu được tổ chức vào dịp giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch hàng năm theo đúng nghi lễ xưa càng thu hút du khách.
Đình làng Hải Châu nằm trong khuôn viên rộng 3.500m2 tại kiệt 48/14 đường Phan Châu Trinh, trong quần thể các di tích của làng Hải Châu gồm Nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ các chư phái tộc và miếu Bà tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Giữa lòng thành phố Đà Nẵng hôm nay, Đình làng Hải Châu, một di tích cổ kính thân thương, một nét đẹp văn hóa đình làng, như nhịp cầu nối người dân thành phố hôm nay với quá khứ của những ngày đầu lập làng, lập ấp.
Đình còn lưu giữ lại 9 bức được làm vào các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Bảo Đại. Trong số này, bức hoành phi được làm từ thời vua Gia Long lớn nhất có chiều dài 2 m, chiều rộng 0,7 m, ghi: “Vạn cổ anh linh” (dịch là Muôn thuở anh linh), dòng lạc khoản ghi đầy đủ: “Hoàng triều Gia Long, thập thất niên, tuế thứ Mậu Dần; Hải Châu chánh xã đồng cung lặc” (dịch nghĩa: Năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17, xã Hải Châu chính đồng kính chạm)...
Bên trong đình còn có 3 tấm bia đá cẩm thạch, trong đó có một tấm cao 1,2 m, rộng 0,7 m, được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), bên trên bia chạm hai con rồng đường nét sắc sảo, uyển chuyển theo thế “lưỡng long triều nguyệt”.