Địa đạo Phú An

Khi ghé thăm vùng đất Quảng Nam hào hùng, ngoài du lịch Hội An, ghé thăm địa đạo Kỳ Anh Quảng Nam, du khách thường dừng chân tại địa đạo Phú An. Nằm ngay cạnh dòng sông Thu Bồn hiền hòa, địa đạo Phú An nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nói đến những con người của vùng Đại Lộc nơi đây thì là cả một niềm tự hào, trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ vô cùng khốc liệt, người dân vùng đất này đã trở thành những người anh hùng áo vải, kể cả là những người đã từng ra tiền tuyến hay những người phụ nữ quen bếp núc, những người nông dân chỉ biết làm ruộng cũng đều dốc sức đồng lòng, đứng lên để bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thống địa đạo này rất lớn kéo dài qua rất nhiều thôn như Phú Bình, Phú Long, Phú Phong và có lẽ tập trung nhiều hơn cả là ở hai thôn Phú An và Phú Xuân. Không chỉ vậy, nơi đây còn chính là bàn đạp để giúp cho quân và dân ta giành thắng lợi tại mặt trận khu V lúc chống Mỹ bấy giờ, góp phần thúc đẩy và tạo cơ hội cho cuộc nổi dậy mùa xuân năm 1975 chính tại khu V và Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và tiến hành nhiều đợt càn quét nhằm mở rộng vành đai chiếm đóng. Quân ngụy tại chiến trường Đại Lộc ngoài việc củng cố các đồn bốt còn tổ chức nhiều cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Trước tình hình đó, quân ta vừa huấn luyện quân tự vệ địa phương, vừa củng cố lực lượng vũ trang cũng như vận động nhân dân tham gia chiến đấu. Các hầm bí mật, giao thông hào, hầm cất giấu tài sản, hầm chống phi pháo cũng được gấp rút đào để bảo vệ xóm làng. Đồng chí Phan Thanh Thủ, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc đã chỉ huy việc đào địa đạo Phú An và công trình được hoàn thành vào năm 1967.

Việc đào địa đạo diễn ra rất khẩn trương, bí mật với sự góp sức của rất nhiều người. Địa đạo nằm sâu trong lòng đất, chiều dài hơn 2.000m với 21 ngõ ngách phức tạp xuyên qua nhà dân, bụi cây, lũy tre, cùng với đó là hệ thống “giao thông” hào chằng chịt xung quanh. Độ rộng, hẹp của lòng địa đạo được xây dựng khác nhau tùy vào địa hình, địa chất khu vực đó với chỗ sâu nhất khoảng 2m. Trong địa đạo được bố trí các ngách, lỗ thông hơi ở nhiều nơi nhằm tránh sự phát hiện của địch, tạo thế liên hoàn cũng như hỗ trợ nhau khi đánh trận. Trung bình cứ 20m có một lỗ thông hơi và hầm cá nhân để phòng trường hợp có đột kích bất ngờ. Các hầm trong địa đạo được xây dựng khá đầy đủ gồm: hầm chỉ huy, hầm hội họp, hầm cấp cứu, hầm dự trữ lương thực. Bên cạnh đó, mỗi đoạn địa đạo đều có những nhánh nhỏ nối liền với hai khu giao thông hào chạy dọc theo nhằm cảnh giới và tác chiến khi địch tấn công.

Năm 2009, dự án trùng tu, tôn tạo địa đạo Phú An được phê duyệt với kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng với nhiều hạng mục từ giải tỏa đền bù đến trùng tu, phục hồi nguyên trạng một số điểm chính của địa đạo như: miệng địa đạo, hầm địa đạo, phòng họp, nhà chỉ huy… Tiêu chí của quá trình trùng tu đó là vừa bảo toàn tính nguyên gốc của di tích vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và sự an toàn.

Theo đó, phần vách và trần được chèn bằng bê tông cốt thép, bên trong phun vữa giả đất, tạo những hốc nhỏ đặt đèn giả cổ chạy bằng điện phục vụ khách tham quan. Miệng địa đạo cũng được gia cố bằng đá chẻ, phun vữa giả đất xung quanh. Bên trên rào đơn giản bằng cọc thép tròn và giằng dây xích mạ kẽm chống gỉ. Phần nhà hội họp, nhà chỉ huy được phục dựng theo lối kiến trúc địa phương với tường bao che xây gạch, trát vữa, khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói vảy cá, cửa gỗ. Các vật dụng sinh hoạt trong mỗi phòng sẽ được phục chế nguyên trạng và dùng làm nơi trưng bày, đón tiếp và thuyết minh về di tích cho khách tham quan. Dự án trùng tu, phục dựng địa đạo Phú An mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Việc làm này không những cứu vãn, bảo vệ di tích mà còn hứa hẹn đưa nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, một địa chỉ để thế hệ sau này tìm hiểu về những trang sử hào hùng của dân tộc.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:30 PM

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam
Chiều dài: 2.000 m

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí