Chùa Thắng Sơn có tên chữ là Thắng Sơn tự, xưa nhân dân thường gọi là chùa Mè. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), thuộc làng Phú An , cách bờ sông Thao khoảng 30km. Chùa nằm trên thế đất cao hơn mặt đường 1,5m, có hệ thống 7 bậc chạy dài theo cổng và tường rào hai bên.
Cửa chùa quay theo hướng Đông Nam, cổng tam quan quay theo hướng Tây Nam, bên kia đường là dòng sông Thao có nhiều thuyền bè neo đậu. Khi xưa người dân xuống thuyền để lên chùa phải đi qua bẩy hàng bậc đá xanh.
Nơi đây nhân dân thường gọi là Bến Đá, nơi này trước đây từng là bến neo đậu của thuyền bè đưa người dân thập phương đến chùa lễ Phật. Chùa Thắng Sơn hiện nay đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh giàu ý nghĩa và giá trị tinh thần đối với nhân dân và phật tử thị xã Phú Thọ.
Ngoài chùa Thắng Sơn, thị xã Phú thọ còn là một địa phương còn lưu giữ được rất nhiều di tích lịch sử như: Chùa Cây Thị (xã Phú Hộ) với hai “lão thị” nghìn năm tuổi vẫn ngày ngày quấn lấy thân đa tỏa bóng xanh mát, trấn giữ ngôi cổ tự linh thiêng mà thuở ấy Lý Nam Đế xưng vương; Đền Trù Mật (xã Văn Lung) xây dựng dưới thời Đinh Tiên Hoàng - thờ Sứ quân miền núi Kiều Thuận và thuộc tướng của ông là Ma Xuân Trường; chùa Bồng Lai (xã Hà Thạch) - một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với bệ tượng đất nung, hệ thống tượng thờ, bia và các di tích vật quý khác, biểu hiện cho sự rực rỡ của một thời đại lịch sử phật giáo huy hoàng trên đất nước ta…
Đây chính là những tiền đề để thị xã Phú Thọ liên kết với các địa điểm tham quan nội tỉnh khác, phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh.