Huyện Đông Giang được thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều “báu vật”. Xã Sông Kôn nằm cạnh một con suối lớn trong vắt được hợp lưu từ ba dòng suối Ma Lu, Zuôi và A Păng chảy thẳng từ rừng già về.
Những con suối được người cao tuổi ở làng đặt tục cấm lội bắt cá bừa bãi trở thành nơi cung cấp các loại cá ngon cho cả làng. Phía sau làng, đầu nguồn các con suối là những cánh rừng già được giao cho hộ gia đình bảo vệ, chăm sóc hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Dọc theo những con suối nhỏ không ít chỗ là suối nước nóng rỉ ra từ dưới đất hay trong vách đá, là điểm đến tắm nóng mỗi khi đông về. Trong các dòng suối đó, suối A Păng là nơi có dòng nước nóng chảy ra nhiều nhất và liên tục quanh năm, phục vụ cả làng tắm nóng mỗi mùa đông giá rét thổi về.
Theo những người lớn tuổi từ thời xa xưa, dân làng tin rằng nơi có suối nóng thường có rất nhiều “ma xấu” trú ngụ, hóa thân thành chim, rắn hay gà trống to đẹp canh giữ nước nóng, là nơi ở của người (ma) đất (Abul) sống dưới nước tách biệt với thế giới con người. Từ những truyền tích kể lại, nhiều người trong làng ngày ấy ít ai đến gần suối nóng, sợ con Abul bắt dẫn vào lòng đất suối nóng không trở lại được với dân làng.
Đó là cách suy nghĩ của dân làng, nhưng với những công nhân xây dựng đường Thắng Lợi từ Túy Loan đi Prao thì suối nước nóng là điểm đến lý tưởng mỗi độ đông về. Ngày ấy, cạnh suối nóng nằm trên đường lớn là những căn nhà của công nhân đội 1 làm đường Thắng Lợi, hai bên đường để đầy vật liệu xây dựng và các loại xe ô tô mà tuổi thơ chúng tôi thèm được chở đi một lần trong đời. Những vườn rau cạnh nhà được các cô chú công nhân chăm bón phát triển tươi tốt trở thành nơi bà con làng tôi học tập, nhân giống về trồng trong các hộ gia đình, cung cấp đủ rau màu mỗi lần có bộ đội qua làng huấn luyện.
Về sau, khi đường Thắng Lợi hoàn thành, đội 1 cũng chuyển đi nơi khác để lại những mái nhà tranh tre hai bên vệ đường. Từ dự án định canh định cư, khai hoang mở đất, mẹ tôi ngày ấy tiếp cận nhà tranh tre bỏ hoang cạnh suối nóng A Păng khai phá đất sản xuất mới. Tôi và các em theo mẹ sửa lại mái tranh cũ làm lều ở tạm trong suốt quá trình canh tác trồng vụ sắn và bắp mới. Chúng tôi thường rủ nhau đến suối nóng ngâm mình thỏa thích và thường rủ nhiều người cùng đi để không sợ bị “ma bắt” như người già thường nói. Những đứa chịu nóng tốt thì thường lên gần chỗ nước chảy ra từ lòng đất, những đứa khác thì nằm phía dưới gần hợp lưu với dòng suối mát A Păng để bớt nóng. Những gốc cây, tảng đá, đồi đất cao nơi con suối nóng đã trở thành kỷ niệm và hôm nay khi trở lại vẫn đâu đó bóng dáng tuổi thơ hôm nào ùa về trong ký ức.
Sau cuộc định canh định cư ngày ấy, khu đất A Păng dựng lên nhiều căn nhà kiên cố, đất đai được khai hoang, rừng già dần bị khai phá không còn như thời chúng tôi còn bé. Nhưng với con suối nóng nằm cạnh suối mát A Păng thuở nào thì vẫn ngày đêm chảy mãi.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng (xã Sông Kôn, Đông Giang) có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Phú Son đầu tư. Đây là tín hiệu vui để suối nước nóng được khai thác phục vụ du lịch, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho con em địa phương, nhất là con em ở thôn Bhơ Hôồng.