Làng văn hóa Cao Sơn

Làng văn hóa Cao Sơn nằm cách trung tâm huyện khoảng 6km, thuộc thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, là nơi sinh sống của hơn 100 hộ người đồng bào Cadong, huyện Bắc Trà My.

Người cadong là dân tộc chủ yếu sống ở đây. Họ sống thành từng plơi. Plơi có thể coi là một đơn vị xã hội cổ truyền duy nhất của người Cadong hiện nay. Xét về cái chung, người Cadong ở Nam và Bắc Trà My cùng huyết thống dân tộc Xơ-đăng. Ngoài ra, ở họ lại có một số nét riêng biệt như ăn, ở, phong tục-tập quán, lễ hội, ma chay, cưới xin, nghi lễ trong nông nghiệp. Mỗi plơi của người Cadong có một phạm vi đất đai rừng núi riêng của mình, ranh giới được đánh dấu bằng những địa hình như: con suối, đỉnh núi, cây cổ thụ... Mỗi plơi của người Cadong bao giờ cũng có một máng nước (lang-tak). Đây là nơi để họ tổ chức Lễ hội cúng máng nước (Karát-langták) cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân làng đoàn kết, no đủ và thương yêu đùm bọc nhau. Mỗi plơi của người Cadong bao gồm nhiều nóc nhà (spôk). Mỗi nóc có thể từ 20 đến 30 nhà, họ ở nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá nón (la-xeel). Nhà ở thường gần nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình, họ thích ở những nơi cao, lưng chừng núi, hoặc ở thung lũng gần nguồn nước.

Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Cadong như: lễ cúng lúa mới, điệu múa cồng chiêng, nghề đan lát mây tre truyền thống…

- Lễ cúng lúa mới: Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới và Tết Hạ Nguyên, là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Lễ mừng lúa mới đối với người dân tộc thiểu số cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh vậy. Lễ cúng được tổ chức hàng năm, với mục đích mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ các vị thần đã giúp dân làng được mùa. Tùy theo từng dân tộc, các tổ chức sẽ có những đặc điểm riêng khác nhưng điểm chung thường thấy là các lễ hiến tế, ăn cơm mới…

- Điệu múa cồng chiêng: Trong các dịp quan trọng của buôn làng, khi màn đêm bắt đầu buông xuống người dân nơi đây sẽ mặc những trang phục dân tộc đẹp nhất của mình, bên ngọn lửa lớn họ gióng lên những khúc nhạc cồng chiêng rộn ràng, hay nhất, họ cùng nhau nhảy múa ca hát vui vẻ cùng nhau uống rượu cần và kể cho nhau nghe những câu chuyện thật vui. Họ cho rằng những tiếng cồng chiêng sẽ mang lại những điều tốt đẹp, xua đuổi quỷ dữ và tà ma mang đến cho buôn làng hạnh phúc ấm no.

- Nghề đan lát mây tre truyền thống: Nghề mây tre ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm trước. Trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, hiện nay nghề mây tre đan đang ngày càng khởi sắc và có chỗ đứng nhất định trên thị trường tiêu dùng. Hiện nay, mây tre đan là một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu lớn ở Việt Nam, vì vậy ở làng văn hóa Cao Sơn vẫn còn gìn giữ được nét đẹp văn hóa này của người Việt.

- Rượu cần: Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách. Khi đến đây, du khách có thể trải nghiệm thứ thức uống đặc sản này.

- Trang phục truyền thống: Mỗi dân tộc thường sở hữu cho mình một loại trang phục truyền thống riêng, và ở làng Cao Sơn cũng không ngoại lệ. Khi đến đây, bạn không chỉ được tìm hiểu hay ngắm những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, mà còn có thể mặc chúng xuyên suốt quá trình thăm làng của mình.

Tuy làng văn hóa Cao Sơn đang là một địa điểm du lịch mới, nhưng ở đây lại có rất nhiều điểm thu hút khách du lịch. Nếu có dịp đến Quảng Nam, hãy ghé qua làng văn hóa Cao Sơn một lần nhé!

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Tập quán xã hội và tín ngưỡng
Địa chỉ: Thôn Long Sơn, Xã Trà Sơn, Bắc Trà My, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí