Khu di tích Phước Trà

Về thăm khu di tích Phước Trà

Từ thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), theo tỉnh lộ 14E khoảng 40km là tới UBND xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức). Từ đây, rẽ phải theo con đường nhựa khoảng 2km, du khách sẽ đến thăm Khu di tích Phước Trà hay còn gọi là khu di tích căn cứ khu V - khu căn cứ trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1973 – 1975). Tại đây, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đề ra kế hoạch cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 theo tinh thần nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành vào tháng 1 - 1975.

Phước Trà là một khu căn cứ lớn thuộc xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, cách thị trấn Tân An khoảng 15 km về phía tây, cách đường 612 khoảng 4 km về phía nam, rộng khoảng 21 ha với con đường dẫn đi quanh khu di tích dài 3,2 km được lát sỏi sạch đẹp. Khu di tích bao gồm một nhà trưng bày những hiện vật cách mạng và hình ảnh tư liệu quý thời kháng chiến chống Mỹ, nhà tiếp khách, hệ thống hầm trú ẩn dùng cho những cuộc hội họp quan trọng với lối thoát hiểm dài chưa đến 10m. Ngoài ra, còn có di tích nhà và hầm làm việc của đồng chí Võ Chí Công (tức Năm Công) – Bí thư Khu ủy lúc bấy giờ, hội trường diễn ra Đại hội III, 24 bia kỷ niệm đặt ở những vị trí khác nhau với những ý nghĩa khác nhau chẳng hạn như: Bia kỷ niệm tiểu đoàn 10 đã đóng quân bảo vệ khu ủy khu V (1973 – 1975), bia ghi nhớ đoàn đại biểu Đảng bộ các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận đã lưu trú trong những ngày dự đại hội đại biểu Đảng bộ khu V lần thứ III (15 – 22-12-1973)...

Sau thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận rút toàn bộ quân đội về nước vô điều kiện. Thế nhưng chúng vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược bởi Việt Nam là một trong những địa bàn quan trọng, là mắt xích chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ; ngoài ra đây còn là vấn đề danh dự của một nước lớn. Để thay thế cho số quân Mỹ và chư hầu, Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu liền áp dụng chính sách bắt lính đôn quân để điền khuyết vào số lượng đã bị khiếm khuyết, mặt khác đế quốc Mỹ viện trợ ồ ạt về mọi phương tiện chiến tranh như: quân trang, quân dụng, và các loại vũ khí hiện đại nhằm phục vụ đánh lâu dài cho cuộc chiến phi nghĩa này.

Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại đây có nhiều khu vực đóng quân, làm việc, sản xuất như: hội trường, hệ thống hầm trú ẩn, hầm ở và làm việc của đồng chí Bí thư Khu ủy, 2 ao cá, ao rau muống... Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội lần thứ III (12-1973) của Ban chấp hành khu ủy, Hội nghị bàn về chiến lược quân sự nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm của địch, tiến công đánh địch và mở rộng vùng giải phóng... Cũng chính tại nơi đây, Khu ủy đã đề ra kế hoạch cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 theo tinh thần của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1975.

Với ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của Khu di tích Phước Trà trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ngày 24-3-1993, Bộ Văn hóa Thông tin đã ban hành quyết định công nhận căn cứ Phước Trà là di tích quốc gia. Hiện tại, khu di tích đã được tôn tạo lại một vài hạng mục như nhà làm việc và hầm trú ẩn của đồng chí Bí thư Khu ủy Khu V, nhà trưng bày, các đường giao thông quanh khu di tích, ao cá, nhà tiếp khách... Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sưu tầm và trưng bày tại khu di tích một số hiện vật, hình ảnh hoạt động ở căn cứ Phước Trà trong giai đoạn 1973-1975, nhằm ghi lại một phần nào quá khứ hào hùng của quân và dân Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khu di tích Phước Trà không chỉ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ mà còn là điểm tham quan lý tưởng về du lịch sinh thái, bởi các công trình kiến trúc ở đây ẩn mình vào không gian yên ả, xanh mát của những tán cây rừng giữa núi non đại ngàn.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:30 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: xã Sông Trà, Hiệp Đức, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí