Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu

Về thăm nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu

Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu hiện ở trên vùng đất thuộc hai xã Duy Sơn và Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; cách tỉnh lộ 610 khoảng 200 mét về hướng Tây Nam. Đây là nơi thờ 13 vị thủy tổ của 13 dòng tộc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình cùng vào khai khẩn vùng đất này và lập nên Trà Kiệu xã, được triều đình xưa ban sắc phong “Trà Kiệu tiền hiền khai cơ”. Nhà thờ tọa lạc trên một mảnh đất rộng lớn, mặt xây về hướng đông bắc, chung quanh có tường rào bao bọc. Lối vào là một cổng chính, hai cánh cửa gắn vào hai trụ đá, được trát bằng vôi, xây theo kiểu cuốn thư, có hai câu liễn bằng chữ Hán:

“Trà địa phong quang, nhiễu hậu tào sơn chung tụ khí

Kiệu phong cảnh sắc, chiêm tiền sài thủy dẫn văn lang”.

Từ hàng trăm năm xưa cho đến ngày nay, mặc dù địa giới phân chia nhưng tấm lòng người dân ngũ xã vẫn như một. Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã được coi là ngôi nhà chung, các vị Tiền hiền thủy tổ đã có công dựng nước và giữ nước xây dựng lên làng Trà Kiệu, những ngày “Xuân Thu nhị kỳ”, hằng năm các thế hệ con cháu Ngũ xã đều hội tụ về nơi đây để cúng tế, dâng hương tưởng niệm công đức tổ tiên, đặc biệt từ năm 2000 đến nay cứ 5 năm tổ chức lễ hội một lần để cúng tế Tiền hiền và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp Tỉnh và cấp Quốc gia.

Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu nằm trên vùng đất các vương triều Chămpa lấy nơi đây để xây dựng lâu đài cung điện từ thế kỷ thứ XI về sau dời lên Khu di sản Mỹ Sơn, được các nhà khoa học khảo cổ thăm dò, nghiên cứu khai quật tìm được khá nhiều di tích cổ vật và xác định đây là di sản văn hóa Chămpa xưa và là vùng đất thiêng của nước Việt, ngôi nhà thờ Tiền hiền duy nhất của cả nước để phụng thờ 69 vị tiền hiền, thứ thế, hậu hiền, liệt tổ của 69 dòng tộc.

Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu xây theo kiểu ba gian, hai chái theo hình chữ nhất (一), dài 10,15m, rộng 11m, với 20 cây cột được liên kết bằng những vì kèo với các đầu kèo được chạm trổ khá công phu theo dáng đầu rồng. Tất cả các cấu kiện của nhà thờ đều làm bằng gỗ. Tường xây bằng gạch, trát vôi; mái lợp ngói âm dương và trên nóc được trang trí long lân quy phụng. Bên trong nhà thờ có 5 bệ thờ. Chính giữa là bàn thờ Hội đồng; tả hữu liền kề thờ liệt tổ; tiếp hai bên liền kề thờ các vị tiền bối và hiền triết trong chư tộc họ. Vào trong nữa, qua một vòm cửa uốn cong, trên một phiến đá, là bàn thờ chính điện thờ 13 vị khai canh khai cơ, 1 vị khai quốc công thần là thủy tổ tộc Nguyễn Trường, 4 vị thứ thế tiền hiền. Bên tả chính điện thờ 13 vị hậu hiền, bên hữu thờ 7 vị hậu hiền của làng Trà Kiệu Thượng. Tất cả những bệ thờ này đều xây bằng gạch trát xi-măng, quét vôi và trang trí các hoa văn họa tiết rất trang trọng và thẩm mỹ. Bên cạnh nhà thờ còn có một ngôi chùa thờ Phật (nay không còn) và một ngôi đình nhỏ để thờ các văn thần võ chức, các vị thần linh khác. Theo lệ thường, hằng năm các tộc họ tổ chức lễ tế hạ (vào tiết hạ chí), tế đông (vào tiết đông chí) và tế xuân (vào dịp Tết Nguyên đán). Để có tài chính phục vụ cho những lễ này, các chư tộc họ trích một phần ruộng đất để canh tác thu hoa lợi.

Dòng chảy thời gian càng làm tăng thêm bề dày của Trà kiệu về mọi mặt cả đường văn, đường võ và bách nghệ trăm vùng. Trên bình diện bảo quốc an dân sự đóng góp của Trà Kiệu không nhỏ, nếu ngày xưa đất Ngũ xã có Đô Thống tướng quân xông pha trận mạc, văn võ song toàn, phò vua mở đất thì ngày nay vào những năm 1930 của thế kỷ XX, có những bậc cách mạng tiền bối xả thân vì nước, hi sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho nhân dân như: Nguyễn Thành Hãn, Nguyễn Viết Liệu, Nguyễn Quang Chung, Nguyễn Đức Hường…..Đặc biệt còn có khu căn cứ cách mạng Hòn Tàu, Đồng Kè nơi bám trụ hàng chục năm của Đặc khu ủy Quảng Đà trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước gắn liền với khu chiến tích tội ác của kẻ thù ở đập Vĩnh Trinh; Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn gắn liền với di tích lịch sử Quốc gia nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu, đền liệt sỹ huyện Duy Xuyên…..

Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu là một trong những di tích lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa làng xã. Dẫu chiến tranh, thời gian và các lần trùng tu, tôn tạo đã ít nhiều làm thay đổi diện mạo của ngôi nhà; nhưng những nét chạm trổ, kiến trúc và những cấu trúc ban đầu vẫn còn giữ được nguyên gốc. Đây chính là dấu tích lịch sử chứng minh cho sự ra đời của sự cộng cư làng xã đa tộc họ đã hình thành từ xa xưa còn lưu lại trên đất Quảng Nam.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: xã Sông Trà, Hiệp Đức, Quảng Nam
Diện tích: 111m2

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí