Đầm Thị Tường (còn có tên là Đầm Bà Tường) cách thành phố Cà Mau khoảng 01 giờ ngồi trên cao tốc, nằm cạnh kênh xáng Bà Kẹo, nối ra Vịnh Thái Lan qua con sông Mỹ Bình. Đầm nằm giáp ranh giữa 3 huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc huyện Phú Tân. Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m, được chia làm 03 đoạn: Đầm trên, Đầm giữa và Đầm dưới. Đầm không sâu nhưng luôn giữ được mực nước trên, dưới 1m.
Đây là dấu tích biển lùi và quá trình phù sa bồi đắp vùng Bán đảo Cà Mau còn dang dỡ. Đầm gồm 3 đầm chính: đầm Trong, đầm Giữa và đầm Ngoài, trong đó đầm Giữa là đầm lớn nhất. Đặc trưng của đầm khác với ao hồ là độ sâu, nếu đầm giữa rất sâu có nơi sâu tới 10 thước thì đầm trên và dưới rất cạn chưa đến đầu người. Mực nước trên đầm thay đổi thường theo sự lên xuống của thủy triều từ 0,7m đến 1,5m rất an toàn cho du khách.
Cuộc sống của người dân quanh đầm Thị Tường gắn liền với con nước, gắn liền với nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên. Bởi nhờ cấu tạo đặc biệt và thông với biển mà cả một vùng nước mênh mông dài gần 10km luôn đầy ắp thức ăn cho các loài thủy hải sản sinh trưởng. Không chỉ tận dụng tài nguyên trời phú là cá, tôm, sò huyết, rẹm sống trong đầm để nuôi sống gia đình; ngư dân Thị Tường còn dựa vào dòng nước để phát triển kinh tế. Họ sử dụng khu vực mặt nước nuôi tôm sú, cua Cà Mau. Đây là hai loại hải sản có giá trị kinh tế cao, có chỗ đứng vững chắc trong danh sách đặc sản Việt Nam.
Đến thăm đầm, du khách có thể chọn đi bằng thuyền máy cảm nhận nhịp sống mộc mạc, giản dị của vùng đất này. Không chỉ ngắm nhìn cảnh đẹp của quê hương đất nước, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản do người dân nơi đây chế biến rất hấp dẫn và nghe họ kể chuyện về cuộc sống sinh hoạt bình dị trên đầm, hay lắng nghe những giai thoại, câu chuyện về đầm Thị Tường.
Ngoài ra, du khách có thể tự tay dùng các công cụ đánh bắt tha hồ xuống đầm làm nông dân, câu cá, đặt lú, mò sò, lưới ghẹ, cua… và tự mình chế biến món ăn, hoặc nhờ người dân chế biến giúp. Đặc sản ở đầm rất đa dạng, từ cá vồ chó, cá lịch cũ, cá ngát… đến sò huyết, tôm, cua…
Hiện nay, 2 bên bờ đầm có nhiều cây lá rậm rạp. Hàng ngày, cứ vào lúc sớm tinh sương và lúc hoàng hôn xuống quang cảnh đánh bắt cá trên đầm trở nên nhộn nhịp với nhiều loại phương tiện như xuồng, chài, lưới, vó, lú, xà ngom…Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn ánh đèn dầu, đèn điện lung linh trên mặt đầm như lễ hội hoa đăng. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận vẽ đẹp kỳ thú của thiên nhiên và thưởng thức những món đặc sản cá, tôm của vùng quê sông nước.