Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cà Mau, chùa Bà Mã Châu được xây dựng từ năm 1882, là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Hoa nơi này.
Chùa có tên chữ là Thánh Hậu Cung. “Cung”, trong tiếng Hán có nghĩa là “miếu”, nhưng người Việt không quen sử dụng từ “miếu” mà chỉ quen dùng từ “chùa” với ý nguyện nâng giá trị tâm linh của miếu lên một bậc. Theo phong thủy, chùa tọa lạc nơi có địa thế “giao long đắc địa”. Được cất vào năm 1882, khi những lưu dân người Hoa từ Trung Quốc thuộc nhóm di thần nhà Minh không thần phục chế độ Mãn Thanh lên cai trị đất nước, di dân sang định cư tại đây. Cũng như các địa phương khác, người Hoa ở Cà Mau chỉ lập chùa thờ Ông và thờ Bà, rất hiếm khi họ có chùa thờ Phật, theo chính danh, mà họ gọi là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Chùa Ông thờ Bổn đầu công Trịnh Hòa, còn chùa Bà thờ Bà Mã Châu. Cho nên, người ta thường gọi chùa Bà Mã Châu vừa ngắn gọn vừa không văn hoa chữ nghĩa như Thiên Hậu Cung.
Chùa có nét kiến trúc hình quả ấn nhìn từ chính điện, mái chùa có những đầu đao cong vút, lợp ngói hình vảy cá màu đỏ thẫm, trên đó có trang trí hình rồng phụng, hình hoa lá chim muông. Trước cửa chùa là một khoảng sân rộng, giữa sân có một lư lương lớn. Giữa tiền sảnh là dòng chữ Hán màu đỏ nổi bật trên nền trời xanh với ba chữ Thiên Hậu cung, kế bên là dòng chữ Hà thanh hải yến (sóng yên biển lặng). Hai bên là tượng của hai con tỳ hưu tượng trưng cho sự cát tường, mua may bán đắt, làm ăn phát đạt. Trong chính điện không khí hết sức trang nghiêm, xung quanh có nhiều câu đối màu đỏ, khói nhang nghi ngút. Giữa là gian chính điện thờ Bà, dưới là điện thờ Thần Hổ. Hai bên tả hữu là bàn thờ Thổ Thần và Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Bên trong có sân Thiên tĩnh (Giếng trời) để lấy ánh sáng. “Ngôi chùa tuy xây cất theo cổ lệ như chùa Huê Kiều ở nơi khác, song nguy nga đồ sộ có nhiều cây cột bằng đá xanh, cửa bằng cây danh mộc, keo, đòn tay và khánh thọ đều chạm trổ và sơn son thếp vàng rất công phu. Chính giữa là chánh điện, nơi thờ Bà, trước bàn đủ các đồ nghi trượng, lỗ bộ và hai cây lọng lớn, hai bên có đông lang, tây lang, sau là nhà kho và hầm bê tông chứa nước mưa. Trải qua bao biến cố, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững còn nguyên vẹn”