Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2003 khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều: bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây, là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông. Tổng diện tích đất của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vào khoảng 41.862 hecta. Trong đó, khoảng 15.262 hecta là diện tích vùng đất liền; còn lại 26.600 hecta là diện tích vùng ven biển tiếp xúc với đất liền; được chia thành 4 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.203 ha), phân khu phục hồi sinh thái (2.859 ha), phân khu hành chính – dịch vụ (200 ha), phân khu bảo tồn biển (26.600 ha).
Hiện nay, vườn quốc gia Mũi Cà Mau có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú đa dạng, với khoảng 28 cho đến 32 loài cây ngập mặn; khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá khác nhau, với 9 loài lưỡng cư, 49 loài sinh vật phù du, và còn nhiều loài quý hiếm khác… Trong đó có hai loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), voọc bạc (Trachypithecus cristatus) và bốn loài có trong sách đỏ Việt Nam.
Vườn quốc gia mũi Cà Mau là điểm đến nổi tiếng mang tính địa lý, văn hóa, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước. Mũi Cà Mau còn là địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, nơi ai cũng muốn một lần đặt chân đến đất mũi thân thương này. Ở vùng đất linh thiêng đó, bạn sẽ được một lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền đầy kiêu hãnh, hay đứng trên con tàu biểu tượng hướng thẳng ra biển Đông. Để rồi khi rời xa, bạn sẽ nhớ mãi cái nơi chẳng có nhà cao, chỉ có cây đước, cây vẹt làm nên nỗi nhớ