Chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chùa Khmer được xây dựng khá sớm tại tỉnh Cà Mau. Chùa là trung tâm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Khmer - Kinh – Hoa. Đồng thời, chùa cũng là trường học, nơi công viên vui chơi, giải trí, thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Hằng năm, có nhiều lễ hội định kỳ được diễn ra trong khuôn viên chùa, như: Lễ dâng áo cà sa (Lễ dâng Y Ka Thina), được tổ chức từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 âm lịch; lễ đặt cơm vắt (Phua Chum Bon), diễn ra trong vòng nửa tháng vào cuối tháng 8, hay Lễ Phật đản (Bon Visaka Bochesa, được tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch. Đây là lễ lớn trong đạo Phật, đã trở thành phong tục, ấn tượng ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Khmer nơi đây.
Ngoài những lễ hội tôn giáo được người dân chú trọng, các lễ hội dân gian cũng được diễn ra trong chùa một cách sôi nổi, tiêu biểu là: Chôl Chhnăm Thmây, lễ cúng Trăng (Ok Om Bok), lễ cúng ông bà (Sene Dolta), không chỉ có những tín đồ phật giáo mà còn có sự tham gia của hầu hết người dân nơi đây. Không khí lễ hội diễn ra nhộn nhịp và náo nức, nghệ thuật cổ truyền của người Khmer được phát huy giá trị như sân khấu truyền thống Yukê, Rôbăm, múa dân gian, hay: Sarikakeo, Saravan, Râm vông… Trong các buổi trình diễn văn nghệ mang đầy bản sắc văn hoá, toàn thể đồng bào người Khmer nơi đây quần tụ tại chùa để cùng nhau múa hát, tiến hành các nghi lễ truyền thống. Chùa còn là nơi họp dân trong phum, sóc để bàn những vấn đề có liên quan đến tập thể, chẳng hạn như: Tu sửa chùa, tổ chức các ngày hội, thậm chí đến việc giải quyết những bất hòa, mâu thuẫn của cá nhân, tập thể trong phum, sóc, thể hiện tính cộng đồng sâu sắc.
Các hiện vật cổ xưa nhất tại Chùa hiện cũng không còn nhiều, đồ cổ và tài liệu trong chùa đã bị thất lạc trong chiến tranh, vật liệu nhẹ không tồn tại được với thời gian hàng trăm năm.
Hiện nay, chỉ còn Satra ghi chép kinh kệ được viết trên lá Buông bằng chữ Khmer (Tổng cộng có 200 thẻ, trong đó có188 thẻ còn chữ) có cách đây trên 230 năm; một hiện vật khác là một chiếc ghe ngo cổ có cách nay trên 150 năm. Chiếc ghe ngo này được đóng bằng gỗ quý, vẫn còn tốt, phần hư hỏng được sửa chữa lại, nhà chùa xây dựng mái che, bảo quản cẩn thận ghe ngo cổ làm hiện vật kỷ niệm; một bộ dàn nhạc ngũ âm, làm bằng đồng; 01 hòm cổ của người Khmer làm bằng gỗ quý; 01 tượng phật làm bằng đá nguyên khối, có niên đại trên 100 năm.
Ngày 09/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định xếp hạng Chùa Rạch Giồng (Chùa Serymengcol) là di tích lịch sử cấp tỉnh.