Đến với Cà Mau, du khách có thể tham gia chuyến khám phá vườn quốc gia U Minh Hạ với rất nhiều hoạt động thú vị. Rừng U Minh Hạ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng rất thích hợp cho những người yêu thích khám phá tự nhiên, ưa mạo hiểm và muốn tìm hiểu về hệ sinh thái rừng ngập nước.
Vườn quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.527,8 ha được thành lập ngày 20/1/2006, thuộc địa giới hành chính 4 xã thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, tỉnh Cà Mau. Nằm về phía tây tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau không khoảng 25km, mất hơn 30 phút ngồi ô tô, du khách sẽ đến Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đặc trưng nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn, trên đất than bùn, là cây tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, năn, sậy, choại... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng...Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau. Ngày 26 tháng 5 năm 2009, cùng với Cù Lao Chàm - Quảng Nam, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Nhờ có môi trường sinh thái ổn định và phù hợp nên các loài chim, cò đều tụ hợp về đây sinh sản, trú ngụ và phát triển với số lượng đông đúc. Đó là những loài như chích cồ, còng cọc, vạc, điên điển, le le, cúm núm, chàng bè, sếu đen… và rất nhiều loài cò như: cò trắng, cò xanh, cò đỏ, cò hương, dơi quạ… trong đó có hàng chục loại chim, thú quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế
Vườn quốc gia U Minh Hạ còn có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.