La Vang

Thánh địa La Vang còn được gọi với tên “Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang” nằm trong khu vực xưa gọi là Dinh Cát (đời chúa Nguyễn Hoàng vào nam thế kỷ XVI vùng này gọi là Dinh Cát tức Dinh xây trên một vùng đất cát có khi gọi là Cát Dinh). Ngày nay thuộc xã Hải Phú huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Nơi này cách Thành Cổ Quảng Trị chừng 6km về phía nam và cách thành phố Huế 60km về phía bắc. Thánh Địa La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của giáo hội Công giáo Việt Nam. Mỗi năm có hàng triệu người về hành hương kính Đức Mẹ ở nơi linh thiêng này. Theo một thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công Giáo. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này.
Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn, mà “la” lớn thì “vang”. Cái tên La Vang ra đời từ đó.
Một cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang. Lịch sử nhà thờ La Vang vốn được xây trên nền của một miếu thờ Bà (có thể là Phật Bà Quan Âm hoặc bà chúa Liễu Hạnh) cho người đi rừng, nguyên là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt, sau biến cố Mẹ Maria hiện ra năm 1789 được nhường cho giáo dân để xây một nơi tôn kính Mẹ Maria.

Ở trung tâm của khu Thánh địa,ngày nay còn lại di tích tháp chuông của Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang. Công trình này được xây dựng từ năm 1924 – 1929, đại trùng tu năm 1959. Vào mùa hè năm 1972, Vương Cung Thánh Đường đã bị hủy hoại do chiến tranh, chỉ còn lại di tích tháp chuông. Ngày 15 tháng 8 năm 2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường mới. Về kích cỡ, đây là công trình lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam từ trước đến nay. Ngôi thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông truyền thống Việt Nam, có sức chứa lên đến 5.000 người. Tại vị trí được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra gần gốc cây đa cổ thụ, một tượng đài hoành tráng đã được xây dựng với hình tượng ba cây đa và Đức Mẹ La Vang ở chính giữa.Và Tượng Đức Mẹ La Vang cũng được đặt ở nhiều nơi trong Thánh địa. Phía trước di tích tháp chuông Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang là một quảng trường rộng. Hai bên quảng trường là Đàng Thánh Giá – một loạt gồm 14 tác phẩm điêu khắc, mô tả diễn tiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ khi ông bị kết án đến khi bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ.

Ngoài ra,trong khuôn viên Thánh địa còn có giếng nước Đức Mẹ La Vang, nơi mỗi tín đồ khi tới đây đều uống một ngụm nước để tỏ lòng thành kính với Đức Mẹ. Nhiều tín đồ tin rằng nước giếng có khả năng chữa được bệnh tật trong cơ thể. Hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang người ta thường tổ chức lễ hội hành hương, gọi là “Kiệu” (cứ 3 năm lại có một “Kiệu” lớn, gọi là “Đại hội La Vang”). Người hành hương về nơi này có thể mua được lá cây vằng, một loại lá thường dùng sắc thuốc hoặc uống mát, lành và có khả năng kháng khuẩn, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh nở. Không những thế, khách thập phương đến đây là để hành hương và cầu xin những ơn lành mà người Công giáo tin rằng Đức Bà sẽ ban ơn như ý.

Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã cho phép hành lễ tại đây trở lại. La Vang đã trở thành thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo Việt Nam.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: xã Hải Phú, Huyện Hải Lăng, Quảng Trị

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí