Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân

Lễ hội truyền thống diễn ra trong 3 ngày 26, 27, 28/2 (tức ngày 7, 8, 9 /2 Âm lịch) tại các điểm khu di tích Nữ tướng Lê Chân, bao gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Di tích lịch sử văn hóa Đền Nghè và Đình An Biên.

Tương truyền, Nữ tướng Lê Chân quê ở trang An Biên, thuộc huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn. Ngày nay nơi đây đã trở thành xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Xuất thân trong gia đình có truyền thống dạy học và chữa bệnh, cha là Lê Đạo, mẹ là Trần Thị Châu, Lê Chân lúc bấy giờ là một cô gái vừa nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, lại giỏi võ nghệ và có chí hơn người.

Thái thú Tô Định nghe danh tài sắc của bà thì đòi lấy làm tỳ thiếp. Thế nhưng, ông bà Lê Đạo một mực từ chối, sau đó cả nhà đã lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương. Thái thú Tô Định tức giận vì không lấy được Lê Chân đã ra tay hãm hại cha bà. Nợ nước, thù nhà, quyết chí phục thù, Bà đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới.

Nhớ về cội nguồn, Bà đã lấy tên làng quê cũ mình từng sinh sống là An Biên đặt cho quê hương mới. Trải qua 10 năm ra sức tích lũy lương thảo, luyện tập nghĩa binh, liên kết hào kiệt khắp nơi, thời khắc phất cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mùa xuân năm 40 tại Mê Linh nhằm đánh đuổi quân Đông Hán, cũng là thời điểm mà Lê Chân cùng với đội nghĩa ra trận mạc. Trong thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa hùng hồn này đã thu về thắng lợi và gây nên tiếng tăm vang dội.

Sau khi đóng góp công lao vô cùng to lớn bà Lê Chân được chị em bà Trưng Trắc - Trưng Nhị phong chức “Chưởng quản binh quyền”, đồng thời giao cho sứ mệnh Trấn thủ Hải Tần. Tuân theo mệnh lệnh, Nữ tướng quay về vùng đất An Biên, vừa tiếp tục dựng xây lực lượng hùng mạnh, lại đắp lũy, đào hào, bảo vệ vùng trọng yếu ở phía Đông đất Việt.

Để nhớ công ơn khai khẩn của Bà, Hải Phòng đã đặt tên một quận mang tên Lê Chân và dựng tượng của Bà trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật TP. Hải Phòng.

Lễ hội được khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Đồng thời, tên của bà được đặt cho một giải thưởng để trao tới những người phụ nữ tiêu biểu của thành phố. Để tưởng nhớ Bà, hiện nay cũng có nhiều lễ hội được tổ chức ở các nơi như Hà Nội, Hà Nam, Đông Triều (Quảng Ninh).

Đã trở thành thông lệ, hàng năm lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là dịp người dân địa phương nơi đây thể hiện lòng thành kính, tôn vinh và tưởng nhớ vị nữ tướng anh hùng có công khai hoang nên thành phố Hải Phòng ngày nay. Bởi vậy, lễ hội không chỉ là của riêng quận Lê Chân, mà còn là lễ hội lớn của thành phố.

Điểm nhấn trong Lễ hội chính là 2 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn Bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan... Đám rước kéo dài cả cây số bắt đầu từ Đền Nghè và Đình An Biên và dừng chân tại khu vực Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Trong suốt đoạn đường ấy, âm nhạc được ngân lên réo rắt, mọi người đi lại nghiêm trang, thành kính, tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng của đất Cảng.

Trong khuôn khổ lễ hội, bên cạnh phần Lễ là phần Hội với đầy ắp các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Chợ quê; Trưng bày hoa lan, sinh vật cảnh; Cờ người và các trò chơi dân gian; Giải võ cổ truyền mở rộng và các hoạt động văn nghệ chào mừng hưởng ứng lễ hội...

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã trở thành lễ hội thường niên của Hải Phòng. Lễ hội được tổ chức trang trọng với những nghi lễ truyền thống tạo nên nét đẹp trong văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc của người dân địa phương. Thông qua lễ hội, thành phố cũng tăng cường quảng bá thêm các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố đến du khách nhằm thúc đẩy du lịch nội địa.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Lễ hội truyền thống
Địa chỉ: Đại Lộ Tôn Đức Thắng, Hải Phòng, Hải Phòng 04711, Việt Nam, Lê Chân, Hải Phòng

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí