Đầu thế kỷ 19 làng Hàng Kênh do bùng nổ dân số và mâu thuẫn trong hàng ngũ chức dịch nên đã tách ra làm 2 làng là Hàng Kênh và Dư Hàng. Làng Hàng Kênh được chia cái đình là đình Hành Kênh bây giờ, còn làng mới Dư Hàng thì được chia chùa ( chùa Dư Hàng hiện nay).
Làng Hàng Kênh được đình nhưng thiếu chùa nên đã dựng 1 ngôi chùa mới là chùa Hàng Kênh, còn làng Dư Hàng được chùa nhưng lại không có đình nên dựng đình Dư Hàng ( sao y bản chính đình cũ) .
Ở giữa 2 làng có cái miếu thờ Ngô Vương do không chia được nên 2 làng thờ chung nên gọi là Miếu Hai Xã. Ngày nay con đường ngăn cách 2 làng và có miếu đó được mang tên phố Miếu Hai Xã.
Đình Dư Hàng có kiến trúc nghê thuật thời Nguyễn, trước Đình có sân gạch rộng và cây cổ thụ. Cổng Đình nằm cạnh đường. Đình Dư Hàng gần 2 hồ : Lâm Tường và Ông Bào, Đình cách Miếu 2 Xã gần 500 m. Đình là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc Gia.
Đình Dư Hàng là một trong số những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị cao mà người dân xây dựng để tưởng niệm Đức vương Ngô Quyền. Là di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia thuộc địa bàn phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), đình Dư Hàng được mô phỏng hoàn toàn theo đình Hàng Kênh về kiểu dáng, kích thước và bài trí hệ thống đồ thờ tự.
Kiến trúc chủ yếu nổi bật của di tích thể hiện tài năng sáng tạo, nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của dàn thợ tham gia xây dựng đình vào những năm cuối thế kỷ 19.
Kiến trúc của đình có bố cục chữ công (I) gồm tòa đại đình và tòa hậu cung. Hầu như toàn bộ hình thức trang trí trên kiến trúc 7 gian tiền đình đều được dàn trải các mảng chạm khắc hình ảnh tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), tứ linh (long, ly, quy, phượng)…
Các nghệ nhân dân gian tạo ra trên kiến trúc gần 200 mảnh điêu khắc, chủ đề rồng mây chiếm phần lớn. Những mảng trang trí nghệ thuật này cùng với toàn bộ kết cấu bộ khung gỗ gồm cột cái, cột quân, xà, hoành, làm nên giá trị nghệ thuật trang trí triều Nguyễn tiêu biểu của đình Dư Hàng.
Lễ hội tưởng niệm Ngô Quyền cùng chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được dân làng tổ chức trọng thể. Các nghi thức tế, lễ, diễu hành trong tiếng nhạc dân tộc kèn, nhị, sênh tiền rộn rã khắp làng xã.
Lễ hội diễn ra từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng 2 âm lịch hằng năm, có các hoạt động chính như: tổ chức tế lễ, rước sách linh đình, đồng thời có tổ chức diễn chèo, tuồng, hát ca trù, chầu văn và các trò chơi dân gian như đánh cờ, đấu vật, chọi gà...Trong những ngày này, du khách thập phương khắp nơi đổ về để cùng hòa mình vào lễ hội tái hiện hào khí Bạch Đằng Giang và tưởng nhớ công ơn của Đức vương Ngô Quyền- vị chủ tướng vùng đất cửa sông.