Đình Kiền Bái nằm ở xã Kiền Bái, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Khi xưa, Kiền Bái còn có tên là Hổ Bái Trang thuộc huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
Đình Kiền Bái là một di tích đầy tính nghệ thuật trên mảnh đất Hải Phòng. Theo thần tích ghi lại, đình Kiền Bái được nhân dân lập nên và thờ hai vị thành hoàng Tòng Tiền và Lôi Công, là hai anh em sinh đôi. Tương truyền, 2 vị đều khôi ngô tuấn tú, nhưng đều mất sớm, rất linh thiêng, đã nhiều lần phù hộ dân làng Kiền có cuộc sống yên ổn, làm ăn thịnh vượng.
Đình Kiền Bái được xây dựng vào nửa cuối thế kỉ 17, kiến trúc hoàn toàn làm bằng gỗ lim, là ngôi đình hiếm hoi ở Hải Phòng còn giữ được hệ thống ván sàn từ khi khởi dựng. Đình ngoài hay còn gọi là tiền đường gồm ba gian, gian giữa là nơi tiến hành các nghi lễ tế tự. Đình trong (hậu cung) gồm ba gian chuôi vồ là nơi an tọa của Đức Thành Hoàng bản thổ.Hệ mái đình có 4 mái, lập ngói mũi hài, hoành mái có tiết diện vuông, trên mái bố trí các con giống. Hậu cung được nối vuông với toàn tiền tế tại vị trí gian giữa, chiều ngang bằng chiều rộng gian giữa tiền tế, chiều dài 8,3m. Hậu cung có kết cấu tương tự toàn Tiền tế.
Đình Kiền Bái có sức hấp dẫn du khách thập phương, các nhà nghiên cứu không chỉ ở giá trị lịch sử mà còn do nghệ thuật trang trí kiến trúc tài hoa và phóng khoáng của người xưa. Cả công trình là một bộ sưu tập tranh điêu khắc gỗ quý giá được tạo tác trên nền của một kiến trúc cổ kính và tao nhã. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đó, Đình Kiền Bái được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1986.