Hang Vua - Hang Thành Ủy

Hang Vua nằm trong núi Vệ - con rồng đá khổng lồ của huyện Thủy Nguyễn. Đầu kề chân núi Bến Ngổ, miệng mở rộng thành cửa hang lớn, phía dưới hàng rồng tạo thành giếng nước nhỏ ngầm vào hang núi quanh năm trong mắt. Ngoài ra, địa điểm còn gắn với lịch sử vua Hùng đánh quân Thục càng tạo nên giá trị bề dày về lịch sử cho nơi đây.

Theo truyền ngôn địa phương, tên gọi của hang bắt nguồn từ một truyền tích có từ thời các vua Hùng dựng nước. Vào năm 258-257 trước Công nguyên đã có trang Dưỡng Động. Bấy giờ nước Văn Lang do Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18) trị vì, đất nước yên bình, trù phú. Thấy vậy, nước Thục ở phương Bắc mang tham vọng bành trướng và đưa quân sang xâm chiếm Văn Lang. Trước tình hình đó, Hùng Duệ Vương đích thân đem quân đi phá địch. Sau khi phân tích tình hình, ngài đã chọn Dưỡng Dộng làm chỉ huy sở, chọn một hang đá làm ly cung cùng quần thần bàn thảo quốc sự. Trước cửa hang Vua là một thung lũng rộng, bao quanh ba phía là đồi núi, phía Đông Nam là rừng trang, sú, lau… là một địa thế lý tưởng được vua làm nơi huấn luyện binh sỹ và cất giấu quân để đánh lạc hướng kẻ thù. Từ truyền tích nêu trên, theo đó hang đá này được nhân dân đặt tên goi là hang Vua, ngọn núi đá có hang Vua được đặt là núi Vệ (tức núi bảo vệ Vua).


Cách lý giải khác cho tên gọi của hang Vua liên quan đến mối tình cảm động giữa vua Hùng và người thiếu nữ xóm Núi (xã Minh Tân) dịu hiền, xinh đẹp. Tương truyền, sau khi vua Hùng thứ 6 đánh tan giặc Ân, ngài cùng các tướng sĩ ca khúc khải hoàn trở về kinh đô mở tiệc khao binh, xét công ban thưởng. Tiếp đó, vua chọn ngày ra lộ Hải Đông (tức vùng đất thuộc Hải Dương và Hải Phòng ngày nay) thăm hỏi thần dân, bàn kế gìn giữ cõi bờ. Đến trang Dưỡng Động, ngài chọn một hang đá rộng, khí hậu thoáng mát làm hành cung đồng thời cho mời già trẻ trong làng đến dự tiệc mừng gặp mặt. Tại đây ngài gặp được Quế Nương – người con gái tài sắc và đảm lược nổi tiếng trong vùng. Mến mộ tài năng và sắc đẹp của nàng, vua sai ban tặng nàng áo ngự, xiêm gấm, phong làm Quý phi. Nàng theo ý vua, đổi thay trang phục vào ở chốn hành cung, nơi ấy vì thế có tên là hang Vua.


Bên cạnh những giá trị về văn hóa, cảnh quan, hang Vua còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử, ghi dấu những mốc son quan trọng trong công cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Tân. Vào ngày 04/02/1940, tại đây Chi bộ Đảng Dưỡng Động được thành lập và ra mắt buổi họp đầu tiên. Chi bộ gồm ba đảng viên là các đồng chí Hồ Xuân Vang, Nguyễn Phú Toán, Nguyễn Phú Thập và do đồng chí Nguyễn Phú Thập làm Bí thư.


Trong khoảng những năm từ 1965 đến 1973, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã sơ tán về vùng Dưỡng Động – Minh Tân và tổ chức chống chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ. Hang Vua được chọn đặt Sở chỉ huy do trực tiếp tướng Tạ Xuân Thu, Nguyễn Bá Phát chỉ huy quân chủng kháng chiến, bảo vệ vững chắc vùng biển thành phố Cảng Hải Phòng. Đặc biệt, sinh thời cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn khi về thăm cán bộ và nhân dân xã Minh Tân đã đến thăm hang Vua – một trong những địa danh ghi dấu quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ xã Minh Tân nói riêng và Đảng bộ huyện Thủy Nguyên nói chung.

 Vào năm 1996, Hang vua đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch xếp hạng Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.Hàng năm vào ngày Giỗ tổ Hùng Vươn, địa phương mở cửa hang Vua để bà con làm lễ dâng hương tưởng nhớ vua Hùng.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 19:00

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Hang động
Địa chỉ: Xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí