Khu di tích lịch sử Pò Hèn là nơi ghi dấu tinh thần chiến đấu và hy sinh dũng cảm, kiên cường bất khuất của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn (nay là Bộ đội Biên phòng), Quảng Ninh. Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn là di tích lịch sử tiêu biểu không chỉ riêng của tỉnh Quảng Ninh, mà còn là công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của Bộ đội Biên phòng cả nước.
Hai bên Đài tưởng niệm là những tấm bia đá, ghi tên 86 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng đất biên cương, trong đó có 45 liệt sĩ của Đồn Biên phòng 209, còn lại là nhân viên thương nghiệp và cán bộ lâm trường cùng hy sinh đêm 17/2/1979 và 13 chiến sĩ của đồn hy sinh vào các thời kỳ sau đó.
Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh làm chủ đầu tư được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, là công trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc. Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, với tổng diện tích khuôn viên trên 86.000m2, gồm các hạng mục công trình chính là: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm và vườn cây.
Nổi bật, là Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc. Ở hai bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979.