Đình Phong Cốc

Nằm ngay bên con đường liên xã, đình Phong Cốc (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) từ lâu đã được biết tới là một trong những ngôi đình cổ kính và lớn nhất ở đảo Hà Nam. Tuy nhiên, với người dân trong vùng họ vẫn thường quen gọi đình Phong Cốc là đình Cốc - như tên làng, tên chợ xưa - một cái tên hết sức dân dã, thân thuộc.

Đình Cốc nằm trên một khu đất rộng hơn 5.200 m vuông, phía trước trông ra dòng sông Dái Nhện hay còn tên gọi khác là sông Cửa Đình.

Đình có 7 gian 2 chái, gồm Tiền đường, bái đường và hậu cung. Mái đình lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp nổi hình hai rồng chầu mặt trời. Phía sau đình là hai cây bồ đề cổ thụ rợp bóng mát khiến cho đình càng thêm cổ kính. Ở phía trước sân đình được lát bằng những phiến đá xanh to bản, kích thước 50x50cm.

Đây là ngôi đình duy nhất ở đảo Hà Nam có cả một cái sân rộng và lát bằng đá như thế này. Trước kia, người dân trong làng, trong xã vẫn lấy sân đình để họp chợ (gọi là chợ Cốc), nhưng sau đó để bảo đảm an toàn cho di tích, chính quyền địa phương đã di dời chợ ra phía ngoài sân đình.

Đình Phong Cốc là trung tâm tổ chức Lễ hội Xuống đồng của phường Phong Cốc (Quảng Yên).

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, nhất là đặc điểm điêu khắc, trang trí mỹ thuật của đình, các nhà nghiên cứu nhận định rằng đình Cốc được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Toàn bộ các cấu kiện bên trong đình hầu hết bằng gỗ lim, phía trước là hệ thống cửa bức bàn, gồm hai cửa phụ, cửa chính và các chắn song lùa gió. Trong đó cửa chính thực sự là một tác phẩm kiến trúc độc đáo: Mỗi bên cửa được chạm nổi hình một con rồng như đang uyển chuyển từ trên mây sà xuống, xung quanh là hình mây lửa và các riềm hoa văn. Khi khép hai cánh cửa lại thì thành một tác phẩm hoàn hảo là hình hai rồng chầu mặt trời. Phía trong tiền đường, các gian được chia bởi 10 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang và 1 hàng cột hiên. Các cột được làm bằng gỗ lim, đường kính trung bình 75cm, chân cột kê bằng đá xanh vuông to, thớ mịn.

Tuy nhiên, cái hấp dẫn mọi người khi đến thăm đình Cốc chính là các trang trí mỹ thuật trên các bức cốn, câu đầu, con giường, kẻ bẩy, ván dong, xà đùi, xà dọc… với các đề tài: Long, ly, quy, phượng (tứ linh), các hình ảnh lễ hội dân gian như đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, đi hội. Tất cả đều được thể hiện bằng lối chạm nổi kênh bong, trau chuốt, dày nhưng không hề rối, không gò bó, vụn vặt mà rất hài hoà với không gian kiến trúc, thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa.

Toà bái đường gồm có 5 gian 2 chái, kết cấu vì kèo kiểu chồng giường kẻ suốt. Bên trong gồm 8 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc, chân cột kê bằng đá xanh, cổ tròn, đế vuông. So với tiền đường thì điêu khắc của bái đường ít hơn, kỹ thuật chủ yếu là chạm nông và kênh bong trên các bức cốn, đầu bẩy, con giường, xà đùi. Nối thông với gian giữa của bái đường là hậu cung, cấu trúc hệ thống vì kèo đơn giản hơn tiền đường và bái đường.

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Cốc còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Bia đá, các hoành phi câu đối, bát bửu và nhiều đồ thờ tự được sơn son, thếp vàng nhuốm màu thời gian.

Đình Phong Cốc đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 22-3-1988.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Đang tải...
Thiếu ngày,giờ mở cửa

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Phường Phong Cốc, Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí