Đến Hội An thì phải khám phá hết giá trị di sản của vừng đất được UNESCO công nhận. Và trong những giá trị đó, chúng ta không thể bỏ qua một điểm đến đậm vẻ đẹp lịch sử như Hội quán Triều Châu. Khi tìm hiểu về Hội quán Triều Châu, bạn có thể thấy địa điểm này không nằm trong trung tâm phố cổ Hội An. Thế nhưng, trên thực tế, bạn có thể hoàn toàn đi bộ từ khu phố cổ đến hội quán.
Địa chỉ cụ thể của hội quán ở 362 Nguyễn Duy Hiệu, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam. Từ Chùa Cầu, bạn chỉ cần đi bộ 750m trên đường Trần Phú, hướng về Miếu Quan Công, là sẽ thấy hội quán ngay trước mắt.
Lịch sử xây dựng Hội quán Triều Châu ở Hội An
Hội quán Triều Châu hay còn được gọi là chùa Ông Bổn Hội An. Được xây dựng từ năm 1845, hội quán là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người Hoa kiều bang Triều Châu.
Chuyện kể rằng, vào khoảng thế kỷ XVII, khi nhà Thanh lật đổ triều Minh, một nhóm cựu tướng lĩnh đã tập hợp lại nhằm lên kế hoạch thôn tính chính trị. Thế nhưng, kế hoạch thất bại và họ phải chạy trốn về phương Nam.
Đến Việt Nam, họ được triều Nguyễn giúp đỡ, bảo vệ và cho phép lập nghiệp ở Hội An. Với tay nghề và khả năng của mình, những người Hoa này đã biến Hội An trở thành một thương cảng sầm uất. Các hội quán cũng từ đó mà xây dựng, phát triển. Một trong năm hội quán lớn nhất trong số đó có Hội quán Triều Châu.
Khám phá nét kiến trúc độc đáo của người Hoa
Hội quán Triều Châu là một điểm đến rất được tích cực giới thiệu khi du khách đến Hội An. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hình dung hội quán như một ngôi chùa nên lượng khách đến không quá tấp nập. Điểm này vô hình chung lại giúp hội quán giữ được vẻ đẹp yên bình vốn có.
Nơi đây thờ phụng các vị thần biển chế ngự sóng gió, cầu mong đi đường bình an, buôn bán thuận lợi. Với những mục đích sử dụng và đặc điểm văn hóa đó, hội quán ngay từ đầu đã sở hữu vẻ đẹp tinh xảo, hoa lệ của nghệ thuật chạm khắc gỗ đậm chất Trung Hoa
Theo các kiến trúc sư, kiến trúc của hội quán tuân thủ sát theo phong cách “nội công ngoại quốc”, có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Đây là phong cách kiến trúc chung của các chùa, bên trong có hình chữ “công” (工), còn bên ngoài có hình chữ “quốc” (国).
Hội quán có 3 gian nhà tương đối riêng biệt và nơi đâu bạn cũng có thể chiêm ngưỡng loại hình nghệ thuật này.
Mặt tiền và gian trước là những tác phẩm điêu khắc đá tỉ mỉ, mỗi tác phẩm lại mang đến một câu chuyện dân gian khác nhau. Gian giữa là nơi thờ phụng được tô điểm bằng nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo. Từ bàn thờ, cửa gỗ, cột nhà đều có những hình rồng chạm khắc tuyệt đẹp đó.
Gian nhà sau thì là nơi tiếp khách và chuẩn bị hậu cần cho những ngày hội lớn nên không gian đơn giản và ấm cúng hơn. Về tổng thể, Hội quán Triều Châu đối với những ai yêu thích nghệ thuật, giống như một buổi triển lãm vậy. Nơi đây có sự độc đáo, có nét tinh xảo, có vẻ đẹp hoa lệ nhưng cũng rất bình yên và gần gũi.
Tham quan Hội quán Triều Châu thường là một hoạt động trong chuyến du lịch Hội An. Nếu đã đến phố cổ và muốn khám phá thêm những địa điểm tương tự thì du khách có thể ghé Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông, chùa Cầu, nhà cổ Phùng Hưng,…
Sau khi tham quan các địa danh này cũng là lúc bắt đầu những hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Cách hội quán khoảng 15km là công viên giải trí VinWonders Nam Hội An độc, lạ, hiện đại và đầy hấp dẫn.