Làng họa sĩ Cổ Đô

Làng Cổ Đô là một làng quê yên ả trải dài ven đê sông Hồng, nơi giao thoa giữa ba con sông lớn với Ngã ba Hạc nổi danh. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là làng lụa, làng thơ, làng nghề làm bún truyền thống. Ngôi làng được ôm ấp bởi lũy tre xanh ngăn ngắt, bởi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, bởi dải đê như tấm khăn hồng choàng lên cánh đồng xanh dợn sóng lúa là nét đẹp của sắc màu hội họa. Có lẽ vì sắc màu quê hương đẹp là vậy mà làng Cổ Đô được trời phú cho một nét văn hóa nữa gọi là “Làng họa sĩ”. Với tiềm năng sẵn có, Cổ Đô hứa hẹn trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong tương lai không xa với các điểm đến nổi tiếng như:

Đền Cẩm Sơn

Đền Cẩm Sơn có niên đại khởi dựng từ rất sớm gắn liền với quá trình sinh tồn và phát triển của văn hóa làng xã. Trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi Đền vẫn giữ được phong cách kiến trúc truyền thống, mang phong cách nghệ thuật độc đáo đan xen của các triều đại nối tiếp nhau. Ngôi Đền ngự trên đầu rồng của dãy núi Cẩm Sơn mặt hướng về đất Tổ Hùng Vương bên hữu ngạn dòng sông Hồng và sông Đà giao nhau bởi “ngã ba Hạc” cuộn sóng, là nơi chứa chất bao huyền thoại từ thủa bình minh. Từ núi Cẩm Sơn ngắm địa thế làng Cổ Đô như một thung lũng xanh trù phú mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng. Với địa thế trước mặt là dòng Sông Hồng đỏ nặng phù sa, sau lưng là dãy núi Cẩm Sơn.

Đình làng Cổ Đô

Đình làng không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, thể hiện những ước vọng của người dân gửi gắm qua từng đường nét kiến trúc, nét chạm khắc ở đình làng. Theo các tài liệu khảo cứu và căn cứ vào hệ thống di vật hiện còn lưu giữ, đình làng Cổ Đô có niên đại khởi dựng từ khoảng giữa thế kỷ thứ 17 với kiến trúc quy mô bề thế. Tuy nhiên trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, ngôi đình đã bị giặc Pháp đốt cháy hoàn toàn nên người dân quê hay gọi với cái tên Đình Cháy. Sau khi hòa bình lập lại nhân dân xã Cổ Đô đã phục dựng một ngôi đình với kiến trúc giản đơn làm nơi thờ Thành hoàng làng. Đình làng Cổ Đô được đặt ở ví trí trung tâm của làng, với khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Tòa đại đình có diện tích rất rộng, lợp ngói mũi, kiểu bốn mái xòe rộng ra ôm lấy đất. Tuy nhiên, mái đình không nặng nề nhờ bốn đầu mái đao được tạo hình cong vút lên như nâng cho mái đình bay bổng. Kiểu mái này cũng chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc đình làng Việt Nam. Bên cạnh kiến trúc tổng thể không gian đình làng, thì những bức tượng thờ, hoành phi câu đối, ...những vật trang trí trong ngôi đình như kể lại câu chuyện của làng, nó đều mang những ý nghĩa riêng.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô

Làng Cổ Đô được mệnh danh là ngôi làng họa sĩ độc nhất vô nhị với hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 2 bảo tàng hội họa. Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ đầu năm 2016 là nơi trưng bày các tác phẩm của những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họa. Đây cũng là nơi các thành viên câu lạc bộ mở lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho trẻ em trong khu. Các họa sĩ Cổ Đô chủ yếu sáng tác về chủ đề quê hương theo trường phái hiện thực bằng những chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước với những bức họa về cánh đồng, con trâu, cây rơm, góc vườn…nơi họ sinh ra và lớn lên.

Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt

Sỹ Tốt sinh ra năm 1920, được coi là người ươm mầm cho hạt giống hội họa làng Cổ Đô. Sỹ Tốt với những bức tranh nổi tiếng như: Tiếng đàn bầu, Bế con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1.000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí của họa sĩ Sỹ Tốt mãi mãi được ghi nhận trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Nếu ghé qua thăm làng Cổ Đô thì nhớ ghé qua Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt để chiêm ngưỡng vô vàn các bức tranh nổi tiếng của người họa sĩ tài năng này các bạn nhé.

Khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 08/07/1958 bác Hồ về thăm Cổ Đô trong chiến dịch diệt sâu để bảo vệ chiến dịch sản xuất và chiến dịch đắp đê bảo vệ đê kè chống lụt bão khiến toàn nhân dân Cổ Đô vô cùng tự hào. Để xứng đáng với sự quan tâm của Bác và để thể hiện lòng biết ơn Bác, nhân dân Cổ Đô đã tạo dựng một ngôi đền thờ Bác tại nơi Bác đứng nói chuyện với nhân dân ngày ấy. Ngôi đền đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận và gắn biển là một di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác về Cổ Đô.

Nhà thờ Lưỡng Quốc Thượng Thư Nguyễn Sư Mạnh

Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Sau Nguyễn Sư Mạnh vì có công lao mà được ban quốc tính (họ Lê) làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu. Nguyễn Sư Mạnh được nhà Lê tin dùng và được ban quốc tính (họ của vua), được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại Phu, trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ. Tuy vậy, ông vẫn sống giản dị, cửa nhà đơn sơ, tài sản không có gì đáng giá. Ông thọ 82 tuổi. Với đánh giá như vậy, nhà thờ Nguyễn Sư Mạnh ở Cổ Đô đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận Di tích quốc gia dạng lưu niệm danh nhân tại quyết định số 52/2001/ QĐ- BVHTT ngày 28/12/2001.

Nhà thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân

Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, là tác giả bài Ngã Ba Hạc Phú nổi tiếng. Năm 18 tuổi, Nguyễn Bá Lân dự kỳ thi Hương và đỗ đầu kỳ đó, gọi là đỗ Giải nguyên. Hai năm sau, ông lại đỗ kỳ thi Hội và đến khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Bá Lân đã từng làm Thượng thư ở 6 bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão Chúa. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã hết lời ca ngợi phẩm cách trong sạch, cốt cách thanh cao và liêm khiết của ông trong cuộc đời làm quan từ khi ông 32 tuổi đến lúc mất (86 tuổi). Ngày 18 tháng 02 năm 2004, mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô đã được ngành chức năng xếp hạng là di tích cấp quốc gia, theo quyết định số 04/2004.

Đang tải...
• Đóng cửa

Nhóm tài nguyên: Tài nguyên Du lịch Nhân văn > Vật thể
Địa chỉ: Làng Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí