Làng nghề điêu khắc Dư Dụ

Nét độc đáo của làng nghề điêu khắc Dư Dụ:

Là một trong số ít làng nghề lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng, những người thợ tạc tượng ở làng Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai) đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước để tạo nên những tác phẩm “độc nhất vô nhị” cả về kích thước lẫn độ tinh xảo; bởi họ không chỉ làm với bàn tay, khối óc tài hoa, mà họ làm nghề bằng cả cái tâm của mình.

Đến Dư Dụ, lắng tai nghe, lọc qua tiếng xe cộ qua lại tấp nập sẽ thấy tiếng rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ, đồng thời sẽ cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn... Dù trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh của mùa đông hay cái nóng bức giữa trưa hè thì người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất từ các di tích lịch sử văn hóa đến các gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật tạo hình về sự cân đối, hài hòa, mực thước, người thợ chế tác tượng còn cần tính toán theo quy luật âm dương ngũ hành, thuật phong thủy. Giá trị cao của tượng điêu khắc gỗ làm ra biểu hiện phải mang đậm triết lý phương Đông, tuân thủ một cách chặt chẽ cả về chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc, sao cho đúng với y quẻ trong bát quái: Hướng Nam là âm Hỏa có tinh nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè, cùng danh vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Hướng Bắc vốn là dương thủy, thích ứng với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp.

Hơn nữa, việc đặt các bức tượng vào các vị trí phù hợp cũng quan trọng không kém bởi đâu có ảnh hưởng tới sức khỏe, sự nghiệp, tài lộc, tài trí... của gia chủ. Mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà: Cung Phú quý đặt tượng Phật Di Lặc; Cung quý nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư... Tượng Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, là vật phẩm tôn kinh trong phong thủy, khi trưng bày trong nhà sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tượng Phúc - Lộc - Thọ tượng trưng cho 3 vị thần này trong nhà nhằm thu hút vượng khí chủ về phúc lộc, thọ.

Những tác phẩm điêu khắc được như vậy là do kỹ năng nghề đã thật nhuần nhuyễn của đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây. Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường chỉ như củi đun bếp, nhưng khi đặt vào bàn tay và khối óc người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy đã trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật hữu ích. Sản phẩm được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người và đặc biệt chú trọng đến họa tiết trên khuôn mặt.

Cùng bắt nhịp với sự đổi mới của đất nước, người dân, người thợ của làng nghề điêu khắc Dư Dụ cũng đã đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số khâu pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm trước đây chỉ làm bằng thủ công thuần túy. Các loại máy cưa, máy phun sơn, máy tiện và một số dụng cụ khác có thể hỗ trợ rất nhiều cho người thợ đầu tư vào nâng cao tay nghề tinh xảo. Điều này rất quan trọng trong việc sáng tạo mẫu mã, đưa vào họa tiết độc đáo cho bức điêu khắc làm trên chất liệu gỗ. Nếu như trước đây sản phẩm điêu khắc của làng Dư Dụ được làm chủ yếu từ các loại gỗ quý hiếm thì đến nay đã dần được thay thế bằng các loại gỗ thông dụng như: pơ mu, trắc, mít, xà cừ. Nguyên liệu gỗ được người Dư Dụ nhập về chủ yếu từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái... Nghề điêu khắc Dư Dụ đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, những năm 2000-2009 tuy có bị suy giảm nhưng vẫn được duy trì bởi thương hiệu làng nghề, đồng thời người Dư Dụ cũng ứng phó rất nhanh với những thay đổi của thời thế, nhiều gia đình đã chuyển sang làm chiếu hạt bằng gỗ pơ mu, thông đỏ…

Hiện nay, nghề điêu khắc ở Dư Dụ đang ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra đến đâu là đưa đi tiêu thụ đến đó, do nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước tăng. Làng dư dụ sẽ mãi mãi lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ tiếp bước những tinh hoa nghệ thuật điêu khắc để thổi hồn cho những khúc gỗ tưởng chừng như không có giá trị gì nhưng lại mang lại một vẻ đẹp độc đáo tinh xảo nhờ vào bàn tay tài hoa của những người thợ những nghệ nhân làng nghề điêu khắc dư dụ tạo nên sức hấp dẫn cuốn hút cho nghệ thuật .

Đang tải...

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: xã Thanh Thủy, Thanh Oai, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí