Làng cổ Cự Đà

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km về phía Tây-Nam, làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội không chỉ được biết là một không gian văn hóa độc đáo, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc Việt ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, mà còn được biết đến là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm miến và nghề làm tương truyền thống.

Không gian làng cổ độc đáo.

Làng cổ Cự Đà tọa bên bờ Nhuệ Giang, thôn Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), với những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà cổ kính... với mật độ dày đặc khiến chúng ta có cảm giác như được đi ngược lại thời gian, ít nhất là cả trăm năm, vị trí giao thương thuận lợi mang đến sự giàu có, thịnh vượng cho ngôi làng.

Sự phát triển của làng Cự Đà là minh chứng tiêu biểu cho quan điểm của người xưa “Nhất cận thị, nhị cận giang”, điển hình của làng Việt cổ vừa làm nông nghiệp vừa làm thương mại. Bến sông Nhuệ làng Cự Đà xưa kia là nơi giao thương, buôn bán tấp nập.

Theo cụ Vũ Văn Thân (87 tuổi) người làng Cự Đà thì những tài liệu khảo cứu lịch sử và gia phả các dòng họ ở đây cho thấy làng đã hình thành từ 4 thế kỷ trước do các hoàng thân trong gia tộc chúa Trịnh khởi lập. Sau đó, các nhà tư sản tài ba như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát… (chủ những xưởng dệt, nhà máy, tiệm buôn, hãng vận tải lớn của Hà Nội giai đoạn 1920-1940) đã thổi hồn kiến trúc Pháp vào ngôi làng này. Thời kỳ phát triển cực thịnh nhất của làng là vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Làng Cự Đà có một không gian văn hóa độc đáo, với hàng trăm ngôi nhà cổ, nhưng hiện chỉ còn khoảng 50 ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc nhà Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Làng cổ được quy hoạch ngăn nắp, trật tự. Đường làng chạy dọc theo bờ sông, bên trái là hàng cây râm mát và bến nước, bên phải là nhà. Từ con đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng dẫn vào các xóm. Đầu ngõ có cổng, thì cuối ngõ cũng có cổng dẫn ra cánh đồng và các ngõ giống hệt nhau. Hai bên ngõ là hai dãy nhà quay lưng vào nhau, thẳng tắp.

Nếu Đường Lâm là làng Việt cổ điển hình của vùng trung du, thì Cự Đà lại là ngôi làng cổ mang những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông. Cho đến nay, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, làng gần như vẹn nguyên so với thuở ban đầu và vẫn còn giữ được một nền kiến trúc xây dựng cổ xưa, đặc biệt trên vùng châu thổ sông Hồng như chùa Linh Minh, đình Thượng, đình Trung, nơi có những dòng tộc lâu đời như họ Trịnh, Đinh, Vũ, Vương...

Làng cổ - Nghề xưa

Nhắc tới Cự Đà thì không thể không nhắc đến 2 món đặc sản trứ danh làm say lòng người đó là tươngmiến.

Nghề truyền thống làm tương Cự Đà xuất hiện gắn liền với lịch sử của ngôi làng, mùi vị tương thơm ngon, đặc trưng không đâu có được. Để có những mẻ tương thơm ngon cần rất nhiều giai đoạn công phu. Tương Cự Đà được làm từ bốn nguyên liệu là gạo nếp, đậu tương, nước mưa và muối trắng. Tương được làm từ khoảng tháng 4 tới tháng 8 là ngon nhất vì thời điểm này thời tiết thuận lợi, nắng nhiều làm cho những mẻ tương có màu nâu vàng sóng sánh thoang thoảng mùi thơm. Chẳng vậy mà người xưa có câu “Tương Cự Đà – cà Thụy Khuê”.

Không chỉ nổi tiếng với món tươngmiến làng Cự Đà cũng là món được nhiều người nhắc đến. Đi một vòng quanh làng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân phơi miến dày đặc, cả làng như được bao phủ bởi một màu vàng óng cực đẹp mắt.

Làng cổ Cự Đà là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả hồn vào khung cảnh bình yên khiến người tới thăm có cảm giác như quay ngược lại thế kỷ trước.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 18:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Xã Cự Khê , Thanh Oai, Hà Nội

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí