Đền Quán Cháo có tên chữ là Chúc Sơn Tiên Từ (nghĩa là: Đền Tiên núi Cháo) thờ Liễu Hạnh Công chúa – một trong tứ bất tử của điện thần Việt Nam. Tương truyền Mẫu Liễu hiển linh thành bà chủ quán nước để phục vụ khách qua đường, Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc phá giặc Mãn Thanh vào cuối năm 1788, Bà đã nấu cháo khao quân, sau ngày thắng trận trở về nhà vua cho lập đền và đặt tên như hiện nay.
Đền Quán Cháo xưa kia chỉ là một miếu nhỏ bên đường, được lập để thờ cúng thần linh. Đến năm Tự Đức thứ 7 (1854) đền được trùng tu bởi Tuần phủ Ninh Bình Tôn Thất Tĩnh công đức và gần như giữ nguyên kiến trúc đến ngày nay.
Đền được bao quanh bởi tường hoa, trước san có đắp cảnh núi Ngũ Hành Sơn. Tại sân đền có 3 cây cổ thụ rất to, che kín khoảng không tại sân đền. Bên trong, đền được xây theo hình chữ nhị và hậu cung hình chuôi vồ. Trên mái trước đền là hình lưỡng long chầu nguyệt và đắp nổi 4 chữ “Chúc Sơn Tiên Từ” (đền tiên Núi Cháo).
Bên trong đền gồm 3 cung thờ. Đầu tiên là cung đệ tam thờ công đồng tứ phủ. Tiếp theo là cung đệ nhị đặt tượng thờ Chúa Bản Đền. Cung này có 4 cột đá xanh nguyên khối, chạm trổ long phụng tinh xảo. Bên phải tượng Chúa Bản Đền có đặt ban thờ quan Hoàng Bảy. Bên trái thờ quan Hoàng Mười.
Cuối cùng là cung cấm. Cung cấp thờ tượng Mẫu Liễu Hạnh hay Liễu Hạnh Công Chúa đặt trong khảm sơn son thiếp vàng tráng lệ. Pho tượng bằng gỗ được tạc từ thời nhà Nguyễn với hình tượng mẫu ngồi theo thế tọa thiền. Bên trái ban thờ mẫu là ban thờ Nhị Vị Chầu Bà.
Lễ hội đền Quán Cháo hàng năm mở vào 15 tháng giêng và cùng với lễ hội đền Dâu kéo dài đến hết ngày 3/3 âm lịch tức ngày kỵ của Mẫu Liễu. Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu năm mới, người dân đã nô nức đến đền và dâng lễ khấn vái. Trước ngày mở hội đền Dâu, người ta thường tế lễ ở đền Quán Cháo trước rồi mới rước ngai thờ cùng tượng Thánh Mẫu về đền Dâu.