Đền Vua Thầy tọa lạc tại xã Khánh An, huyện Yên Khánh. Tương truyền di tích được xây dựng từ thời nhà Đinh, thờ Bản thổ Địch Lộ Tổ Sư Đại thần, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, chữa bệnh cho Hoàng tộc, được Vua Đinh phong là “Thái y Phúc Trạch Đại vương”. Ông mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người, nhân dân tôn kính gọi là vua Thầy, lập đền thờ để thờ tự.
Đến Khánh An, ngay cả hỏi đứa trẻ con chúng cũng có thể chỉ tường tận đường đến đền Vua Thầy. Nhưng khi hỏi người dân về gốc tích ngôi đền thiêng thì rất ít người biết cặn kẽ. Thậm chí, nhiều cụ cao niên trong làng cũng chỉ nhớ rằng đền có từ lâu lắm rồi mà nhưng không rõ cụ thể từ năm nào. Có cụ năm nay đã ngoài 80 mà cũng chỉ biết, từ bé lớn lên ở làng đã thấy có ngôi đền ở đó. Trong đền cũng có gia phả ghi chép lại, nhưng toàn bằng chữ nho nên cũng chẳng ai biết nó viết gì.
Nói về sự tích ngôi đền thiêng, xung quanh cũng có nhiều câu chuyện lý thú.
Tích kể về ngôi đền kể rằng, khi xưa có vị vua lâm trọng bệnh, các thần y trong cung đến để bắt mạch chữa trị nhưng chẳng thể tìm ra được căn nguyên. Bệnh của vua ngày càng nặng hơn, các danh y trong cả nước được mời đến nhưng đều bó tay. Lúc đó, vua nghe dân gian đồn rằng trong làng này (tức xóm Bùi ngày nay) có anh thầy thuốc tuy ít tuổi nhưng rất tài giỏi bèn cho người mời vào cung chữa bệnh. Quả thực, sau khi bắt bệnh, ông chữa khỏi bệnh cho vua. Sau khi chữa khỏi bệnh, vua ban thưởng hậu hĩnh và giữ ông ở lại trong cung lo việc săn sóc sức khỏe vua và hoàng tộc. Tuy nhiên, ông xin từ chối nhận ân huệ vua ban mà xin được về lại ngôi làng để tiếp tục chữa bệnh cho dân nghèo.
Cảm kích trước tấm lòng “lương y như từ mẫu” của ông, vua đồng ý và ban tước hiệu cho ông là vua thầy. Hàm ý là thầy thuốc của các bậc thầy. Người đã có công chữa khỏi bệnh cho vua. Sau khi ông mất, dân làng lập nên đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ông cả đời đã cứu bệnh dân làng và người nghèo. Và đền có tên là đền Vua Thầy từ đó đến nay.
Di tích được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất hậu Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường, 5 gian Trung đường, 2 gian Hậu cung, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy. Hiện nay, toà Trung đường và Hậu cung còn giữ được khá nguyên vẹn kết cấu, kiến trúc gốc thời Nguyễn với các mảng chạm khắc tinh tế, cầu kỳ.
Di tích còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự, trong đó có những tư liệu, hiện vật quý như: 04 sắc phong cho Địch Lộ Tổ sư Đại thần và chuẩn cho thôn xã thờ phụng; 02 bia đá năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904) ghi lại việc tu sửa, tôn tạo, xây dựng di tích và tên những người hưng công, cúng tiến và các long ngai, bài vị, bát hương cổ.