Lễ hội Trò Trám được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 11 năm 2016. Lễ hội Trò Trám là Lễ hội phồn thực của người Việt cổ, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở.
Miếu Trám là nơi diễn trò nên còn gọi là miếu Trò, cũng là nơi thờ bản thổ nữ thần Ngô Thị Thanh. Lễ hội Trò Trám, làng Tứ Xã nổi tiếng ở phủ Lâm Thao xưa, trong và ngoài tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Diễn trình Lễ hội Trò Trám bao gồm phần lễ nghi và phần hội. Phần hội có trò diễn trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” đặc sắc, hấp dẫn, nổi bật nhất, do người dân xóm Trám trình diễn. Vì vậy, từ xa xưa, vẫn được gọi tên là “Lễ hội Trò Trám”. * Trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” hay trò Trám là hình thức biểu diễn mô phỏng các nghề của địa phương trong xã hội phong kiến với 4 nghề cơ bản là Sĩ, nông, công, thương, vì vậy còn được gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” bởi tính hài hước, độc đáo của trò diễn thể hiện trong lời ca và lối trình diễn hài hước chọc cười. trong trò “Tứ dân chi nghiệp” nội dung phồn thực xuyên suốt các lớp diễn, được thể hiện mộc mạc và hóm hỉnh với các vai diễn đều nhún nhảy điệu nghệ mang dáng vẻ hài hước của Lễ hội phồn thực.
Mỗi người mỗi vai đều tự giới thiệu, độc thoại hoặc đối thoại với nhau giữa các vai. Có cả lớp hát ví trêu nhau. Các vai đều vừa thoại vừa làm động tác nghề nghiệp với phong cách: Hài hước, gây cười bằng các câu hát quấy, luyến ái, trêu ghẹo gái làng. Cuộc vui tưởng như không bao giờ chấm dứt. Ngay khi trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” kết thúc, người dân trong xóm Trám cộng đồng và du khách gần xa cùng vào hưởng lộc trên mâm lá chuối ngay trên sân miếu Trám.