Địa đạo Kỳ Anh

Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Tam Thăng, cách trung tâm TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) 7 km về hướng đông bắc. Đây là địa đạo lớn thứ ba trong cả nước, sau địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) và địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

Xã Kỳ Anh trước đây (nay là Tam Thăng) là một vùng quê nghèo yên bình, song đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất ở Quảng Nam giai đoạn 1964 - 1975. Tại đây, nhân dân Kỳ Anh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tam Kỳ đã trường kỳ kháng chiến, anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, thực hiện phương châm “một tấc không đi, một li không rời” quyết tâm bám trụ, tận dụng mọi thời cơ để tiêu diệt địch. Địa đạo Kỳ Anh ra đời trong hoàn cảnh đó, với nhiệm vụ làm nơi giấu quân an toàn, nơi chuẩn bị lực lượng, vũ khí để chiến đấu và thực hiện công tác cứu thương, tác chiến.

Địa đạo Kỳ Anh được bắt đầu đào từ tháng 5-1965, đến năm 1967 thì hoàn thành. Địa đạo có tổng chiều dài 32 km, chiều rộng hầm từ 0,5 - 0,8 m, chiều cao từ 0,8 - 1 m. Địa đạo quanh co uốn khúc, có hình dạng bàn cờ, có nhiều ngõ ngách, chạy ven theo các lùm cây, trải khắp các thôn trong xã. Trong lòng địa đạo có nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, các giếng nước, nhiều đoạn rất hẹp nhằm đề phòng địch có thể phát hiện, dùng hơi cay, lựu đạn ném vào. Trong địa đạo có hầm chỉ huy, hầm tác chiến, hầm cứu thương, hầm lương thực… với sức chứa lên đến 1.500 người. Địa đạo có nhiều miệng hầm. Phần lớn các miệng hầm nằm trong đình làng, nhà dân, chuồng bò, cây rơm, bụi tre, giếng nước, gốc cây… và đều được ngụy trang cẩn thận.

Khác với các địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc, địa đạo Kỳ Anh được đào ở vùng cát. Do đó, việc đào và bảo vệ địa đạo rất khó khăn, vất vả. Địa đạo được đào bằng các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng… với sự tham gia của nhiều lực lượng như bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ. Vì ở gần vùng địch nên việc đào hầm chủ yếu được tiến hành vào ban đêm và vô cùng bí mật, khẩn trương. Ở các miệng hầm bí mật phải có người bám trụ hợp pháp để cảnh giới địch, bảo vệ hầm. Các mẹ Phạm Thị Tống, Trần Thị Ngàn, Lê Thị Khương, Châu Thị Thảo, Phạm Thị Lời, Nguyễn Thị Túc… là những người có công lớn trong việc này.

Địa đạo Kỳ Anh ra đời trở thành cứ địa an toàn và vững chắc, tạo lợi thế lớn cho phong trào đấu tranh du kích ở địa phương, cùng lực lượng vũ trang tiến hành bao vây tấn công địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân Quảng Nam. Từ khi hoàn thành địa đạo đến năm 1975, quân và dân Kỳ Anh đã đánh 1.052 trận, tiêu diệt 3.571 tên địch. Với những chiến công vẻ vang đó, năm 1994, xã Tam Thăng vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Về thăm địa đạo Kỳ Anh, du khách sẽ được tận mắt thấy quy mô to lớn của địa đạo này, được nghe các cụ lão thành cách mạng kể về những ngày tháng đào và bảo vệ hầm gian khổ, những trận đánh ác liệt, những người con Kỳ Anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bị tra tấn dã man vẫn không khai ra cơ sở cách mạng. Du khách sẽ được ôn lại những trang sử cách mạng hào hùng nhất của quân và dân Quảng Nam, vùng đất “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Đang tải...

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Xã Tam Thăng, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam
Chiều dài: 32 km

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí