Bảo tàng Quảng Nam


Bảo tàng Quảng Nam nằm trên đường Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bảo tàng là một trong những công trình văn hoá tiêu biểu của tỉnh. Nơi đây hiện đang lưu giữ và trưng bày giứoi thiệu gần 30 nghìn hiện vật có giá trị về văn hoá vùng đất Quảng Nam từ thời tiền sử đến hiện đại. Với tổng diện tích sử dụng 21.976m2, diện tích trưng bày ngoài trời 1.305 m2, vườn tượng danh nhân 1.004 m2, khu phục dựng văn hóa các dân tộc Quảng Nam 2.164 m2… Riêng phần trưng bày nội thất của Bảo tàng có diện tích 2.700 m2 bao gồm các lĩnh vực: đặc điểm tự nhiên và tài nguyên tỉnh Quảng Nam, văn hóa các dân tộc Việt Nam và lịch sử, xã hội tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra còn có gian trưng bày chuyên đề để phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh.

Đội ngũ phục vụ gồm cán bộ, viên chức và người lao động hơn 20 người tận tâm, tận tụy, Bảo tàng Quảng Nam là điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng, trải nghiệm về những di vật, cổ vật trong quá trình hình thành và phát triển xứ Quảng. Trong đó, có các bộ sưu tập hiện vật rất giá trị, tiêu biểu như : Bộ sưu tập các mẩu vật về tài nguyên, khoáng sản, với các mẫu vật quý hiếm như gỗ Pơ mu, gõ, huỹnh, dổi, chò, các mẫu quặng vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, quặng than đá Nông Sơn và một số nông lâm sản khác….

Điển hình nhất là bộ sưu tập hiện vật di cốt người cổ có niên đại trên năm ngàn năm, mai táng theo hình thức chôn bó gối được tìm thấy tại Bàu Dũ, thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam; những mộ chum và đồ tùy táng của nền văn hóa Sa Huỳnh, gồm công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, vũ khí, trang sức của người cổ thời kỳ sơ sử; bộ sưu tập hiện vật về Văn hóa Chămpa hết sức phong phú, trong đó có Bảo vật quốc gia đầu tượng thần Siva, thế kỷ X, chất liệu bằng vàng ròng, là một trong hai đầu tượng vàng cực kỳ quý hiếm hiện có ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay

Bộ sưu tập những hiện vật đặc trưng về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam; bộ sưu tập về công cụ lao động, sản xuất và các hiện vật, tư liệu về đời sống văn hóa tinh thần, nghệ thuật sân khấu, lễ hội của người Việt từ thời di dân, lập ấp, khẩn hoang đến ngày nay trong đó nổi bật với những hình ảnh, hiện vật thuộc thời kỳ đấu tranh cứu nước,…của người Quảng Nam.

Ngoài ra, còn có những hàng cây xanh râm mát, bồn hoa và những thảm cỏ xanh bên lối đi nội bộ thật duyên dáng, hữu tình, tất cả hy vọng sẽ mang đến cho mỗi du khách sự hứng khởi, đồng thời khơi gợi lòng tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa xứ Quảng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Cùng với các bảo tàng trong khu vực, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức nhiều buổi giao lưu để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, tham quan, hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Ngãi, Bảo tàng Thừa Thiên-Huế, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ….Qua giao lưu, nhiều kinh nghiệm quý trong công tác bảo tàng được trao truyền, chuyển giao giữa các đơn vị, tạo được niềm vui, lòng yêu nghề và nâng cao năng lực cho cán bộ viên chức bảo tàng. Bảo tàng cũng tạo mối quan hệ tốt và được sự giúp đỡ chí tình của các chuyên gia đầu ngành như Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật UNESCO Việt Nam…, nhằm chấn hưng và phát triển bảo tàng ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, còn liên kết, giao lưu với các nhà sưu tập nổi tiếng như Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), Diệp Gia Tùng (Hội An), để được tư vấn, hiến tặng hiện vật và có kế hoạch tổ chức trưng bày các chuyên đề về cổ vật để phục vụ khách tham quan.

Với chủ trương “đưa bảo tàng về cơ sở”, trong những năm qua, Bảo tàng Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày lưu động, nhằm đưa bảo tàng đến gần công chúng và tạo điều kiện cho đồng bào trong tỉnh tiếp cận và tham quan hình ảnh, tư liệu, hiện vật bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp với các địa phương, đơn vị trưng bày nhân sự kiện của địa phương, của tỉnh hay các ngành. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông, bảo tàng đã tổ chức hàng chục cuộc trưng bày về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh, thu hút được đông đảo khách tham quan và góp phần gây nhận thức về chủ quyền trên biển trong nhân dân, tạo ý thức và tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng, Bảo tàng đã đăng ký với Sở Khoa học Công nghệ thực hiện một số đề tài nghiên cứu được đánh giá khá tốt. Một số cán bộ, viên chức của bảo tàng được mời tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp tỉnh. Nhiều người còn thường xuyên cộng tác với các báo trung ương và địa phương đã góp phần quảng bá văn hóa Quảng Nam nói chung và Bảo tàng Quảng Nam nói riêng đến với công chúng.

Đang tải...
• Đóng cửa

Nhóm tài nguyên: Công trình đương đại
Địa chỉ: 281 Phan Bội Châu, Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam
Diện tích: 2 ha

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí