Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền móng cũ của Thiên ân Thiền Tự, một đại danh lam thời Lý Trần, ở độ cao từ 250m đến 300m so với mặt biển, thuộc vùng núi Tam Đảo - Tây Thiên.
Ngày 4/4/2004, tức ngày 15/2 nhuận, năm Giáp Thân, lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên diễn ra tại thôn Đền Thõng, xã Đại Đình huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua 15 tháng xây dựng, một đại danh lam mới được khánh thành và trở thành một điểm đến của du khách, phật tử từ mọi miền của đất nước. Bên trong chỉ có 4 cây cột đỡ mái, nên rộng thoáng như một hội trường, có không gian cao rộng, sáng sủa, trang nghiêm.
Trong chính điện, trên bệ thờ chỉ có 3 bức tượng, nói lên đường lối tu hành của Thiền viện: Phật tại tâm, cứu cánh của sự tu hành là khai mở tuệ giác, phát triển tâm tư, đi đến giác ngộ giải thoát. Hai bên chính điện, ở phía trước có lầu chuông, lầu trống. Phía sau là nhà trưng bày, nhà tổ, nhà khách tăng, trai đường. Xa về phía tả là nhà khách Ni, nhà vệ sinh công cộng bố trí cạnh bãi đỗ xe.
Ô tô đi thẳng từ thành phố Vĩnh Yên đến chân núi Tam Đảo. Rồi từ chân núi đi theo đường bê tông men sườn núi dẫn tới sân đỗ của Thiền viện. Đến đây, khách hành hương theo từng bậc tam cấp đá, tới cổng Tam Quan đồ sộ. Đạo hữu Nguyễn Quốc Toản đã thực hiện các đại tự ở Tam Quan và đỉnh hương đặt trước chính điện bằng đá Thanh Hóa. Qua Tam Quan, du khách còn phải bước lên vài chục bậc đá nữa, tới một sân hẹp, rồi mới lên chính điện.
Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là một công trình kiến trúc hoành tráng, nguy nga, mang dấu ấn về kiến trúc, thẩm mỹ học Phật giáo. Tránh được sự sao chép một cách máy móc theo những ngôi chùa cổ Việt Nam ở thế kỷ 16 - 17 mà mang tính truyền thống hài hoà với hiện đại, giữ được nét đặc thù của ngôi chùa phật giáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của phật tử ngày nay, bảo vệ được cảnh quan và môi trường sinh thái phong phú và hấp dẫn của khu vực vườn Quốc gia Tam Đảo.