Khu di tích căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà

Căn cứ cách mạng Đặc khu ủy Quảng Đà nằm trên núi Hòn Tàu, giáp ranh ba huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, diện tích gần 100km2. Ở đây có nhiều núi hiểm trở như Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng và nhiều hang động có thể chứa được nhiều người.

Vị trí địa lý và địa hình của Hòn Tàu khá lý tưởng; đồi núi cao, rừng rậm, bên ngoài khó phát hiện những động tĩnh bên trong; bên trong dễ dàng quan sát mọi hoạt động bên ngoài. Nhờ vậy, Hòn Tàu luôn được các nhà quân sự chiến lược trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chọn làm căn cứ địa trung tâm của cách mạng.

Thời kháng chiến chống Mỹ, Hòn Tàu còn phải oằn mình chịu những trận ném bom, nã pháo của quân Mỹ trong các chiến lược, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhất là thời kỳ sau chiến dịch mùa khô 1967 đến năm 1972. Ngày 21/10/1967, Khu ủy Khu V tiến hành sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà, quyết định chuyển toàn bộ cơ quan từ A7 xuống Hòn Tàu, mỗi cơ quan chỉ để lại bộ phận sản xuất tự túc. Bộ phận phía sau và bộ phận tiền phương của Đặc Khu ủy sáp nhập thành một. Từ đây Đặc Khu ủy và các cơ quan trực thuộc có thể lên đường Trường Sơn, liên lạc với văn phòng Khu ủy V hoặc tỏa về các địa bàn hoạt động.

Với lợi thế về vị trí địa lí, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội nghị nhằm nắm bắt tình hình, triển khai chủ trương của cấp trên kịp thời, từ đó đề ra quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn để giành được nhiều thắng lợi lớn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đặc Khu ủy Quảng Đà, Mặt trận 4 đã chỉ dạo triển khai đồng loạt nhiều chiến dịch, hỗ trợ tích cực cho các địa phương tấn công địch, giải phóng quê hương.

hai giai đoạn Đặc khu ủy Quảng Đà xây dựng căn cứ ở Hòn Tàu: Giai đoan cuối năm 1968 đến tháng 12-1971: Bộ phận tiền phương của Ban Thường vụ Đặc khu ủy đóng ở núi Nhà Muỗi, dựa vào hang đá để ở và làm việc. Lúc này, bộ phận phía sau xây dựng căn cứ ở A7, ranh giới giữa huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang. Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, địch phát hiện cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà quay lại bám núi Hòn Tàu, Mỹ làm sân bay và trận địa pháo ở Rẩy Khuê, thường đưa quân Mỹ ở căn cứ An Hòa càn xuống và quân đóng ở Núi Quế càn lên, thay nhau băm nát từ núi đồi Đá Mái lên đèo Le. Có thời gian, chúng đổ quân nằm lỳ cả tháng trời ở đèo Đá Mái, Gò Hầm. Đồng thời, chúng xua đuổi dân Xuyên Trà, Xuyên Hiệp, của Duy Xuyên, dân Sơn Trung, Sơn Khánh, Sơn Long… của Quế Sơn vào khu dồn, không cho bà con về làng sản xuất, bỏ ruộng đồng hoang hóa, cỏ gai ngập đầu gối, ban đêm, nghe tiếng chân du kích heo rừng chạy từng bầy.

Giai đoạn hai từ tháng 12 -1971 đến tháng 3 -1975: Vào khoảng tháng 12-1971, hội nghị Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định chuyển toàn bộ cơ quan từ khu A7 xuống khu vực Hòn Tàu. Cơ quan Đặc khu ủy đóng ở núi Cù Hang. Đến đầu năm 1972, lại về đóng ở núi Mặt Rạng. Lúc này cơ quan Khu ủy 5 đóng ở Phước Trà, Hiệp Đức - đây là căn cứ được ghi nhận là An toàn khu.

Căn cứ Hòn Tàu là nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát. Nhiều lãnh đạo Đặc khu ủy và hàng trăm cán bộ các cơ quan, ban ngành đã anh dũng hy sinh, 15 đồng chí bị thương. Đặc biệt, 10 cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn bị bom B52 đánh sập hang đá là nơi ở và làm việc ở dốc Cây Khế, dưới chân Mặt Rạng vào sáng 22/5/1972. Trong muôn vàn gian khổ, Đặc khu ủy Quảng Đà đã vững vàng, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hợp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kìm để hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975.

Đang tải...
Đã đóng cửa vào 17:00 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: núi Hòn Tàu, xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam
Diện tích: 100 km2

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí