Làng chiếu cói Bàn Thạch

Nghề dệt chiếu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Quảng Nam và nhắc đến làng chiếu Bàn Thạch là nhớ đến hình ảnh khung dệt chiếu, tiếng thoi đưa róc rách và những cây cói với đủ màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng hòa cùng màu đất trời của xứ Quàng thân thương này.

Theo sử sách chép lại, trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, người dân ở các vùng từ Hà Tĩnh đến Thái Nguyên di cư vào Nam, đến Quảng Nam thấy thiên thời địa lợi nhân hòa nên đã dừng lại khai hoang lập nghiệp. Trong quá trình di cư, người dân ở các tỉnh thành đã mang theo nghề làm chiếu để phát triển tại vùng đất này.

Thiên nhiên trù phú, nơi đây bạt ngàn những cánh đồng cói và đay, cao đến ngang vai, phất phơ theo chiều gió. Tận dụng những ưu thế vốn có của tự nhiên nơi đây, người dân đã sử dụng cây cói và đay làm nguyên liệu dệt thành những chiếc chiếu vừa bền vừa chắc, nổi danh khắp vùng. Kết với với vị trí thuận lợi - nằm ở hợp lưu các con sông lớn, Bàn Thạch đã trở thành nơi giao thương sầm uất.

Làng nghề có lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển. Sản phẩm của làng chiếu Bàn Thạch nổi tiếng gần xa, từng là cống phẩm cho triều đình và quý tộc. Hơn 500 năm qua, làng chiếu Bàn Thạch đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nghề truyền thống này vẫn gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây. Theo thống kê, làng Bàn Thạch có khoảng 1.356 người dân sinh thì ở thời kỳ đỉnh cao có tới hơn 700 người theo nghề dệt chiếu.

Du lịch làng chiếu Bàn Thạch, du khách sẽ có cơ hội khám phá quy trình làm nên những chiếc chiếu tuyệt đẹp của người dân làng chiếu Bàn Thạch.

Nguyên liệu làm chiếu là từ cói và sợi đay. Người dân sẽ tiến hành bứt cói đem về nhà, chẻ thành những sợi nhỏ và đem phơi dưới trời nắng gắt khoảng 4 - 5 ngày. Đến khi sợi chiếu khô lại nhưng phải đảm bảo vẫn giữ được độ dai và chắc thì tiến hành các công đoạn làm chiếu.

- Công đoạn nhuộm màu: Sau khi sợi chiếu phơi khô đạt chuẩn sẽ được đem nhuộm màu. Muốn cho màu nhuộm được đẹp và khó phai thì người dân nơi đây phải nhúng từng chùm nhỏ vào nồi phẩm màu đã nấu. Sợi cói sau khi đã nhuộm màu sẽ đem phơi khô dưới trời nắng. Lưu ý, phơi dưới nắng vừa, không để bị mốc do nắng yếu hoặc bị gãy do nắng gắt.
- Công đoạn dệt chiếu: Muốn dệt được chiếu Bàn Thạch thì phải chuẩn bị khung và thoi dệt. Quá trình dệt phải có 2 người, một người đưa thoi, luồn sợi và một người kia kéo khung cửi. Chiếu dệt xong sẽ được cắt vuông vắn và cố định lại 4 cạnh để không bị xổ ra. Người dân tại làng dệt chiếu cổ Bàn Thạch thường dệt mỗi chiếc mất khoảng 3 - 4 tiếng, một ngày có thể làm được 4 - 5 chiếc.

Bên cạnh việc khám phá quy trình làm chiếu thủ công, khi tới làng chiếu Bàn Thạch, du khách đừng quên trải nghiệm phiên chợ chiếu ở địa phương. Đây cũng là điểm độc đáo khiếu khách du lịch cảm thấy thích thú khi ghé Bàn Thạch.

Chợ phiên nơi đây được họp từ rất sớm, khoảng 4 - 5 giờ sáng, không khí vô cùng đông đúc và náo nhiệt. Tới chợ phiên Bàn Thạch, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm chiếu thủ công nhiều hoa văn và màu sắc sặc sỡ. Và đã là dân xứ Quàng thì không thể thiếu tấm chiếu Bàn Thạch vào mỗi dịp hè đến, góp phần tô điểm, làm đẹp một phần đời sống, văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều du khách đến tham quan làng nghề này, họ sẽ được tận mắt chứng kiến người dân làm chiếu hay tự tay trực tiếp làm ra những chiếc chiếu với sự hướng dẫn tận tình của những người thợ thân thiện, mến khách và mua cho mình những chiếc chiếu dệt tay về sử dụng hay làm quà, sẽ là một trải nghiệm thú vị cho ai từng đặt chân đến nơi đây.

Nếu đến với du lịch Quảng Nam, đến với vùng sông nước Trà Nhiêu, nơi có những nhánh sông rộng uốn lượn và cảnh quan thiên nhiên nên thơ trữ tình thì bạn hãy ghé thăm làng chiếu Bàn Thạch – một điểm đến khó mà bỏ lỡ của du khách trong chuyến hành trình khám phá các làng nghề truyền thống xứ Quảng nói chung và Việt Nam nói riêng cũng như tham gia vào một buổi chợ phiên đông vui, tấp nập để tìm hiểu, có cho mình trải nghiệm mới lạ về làng nghề truyền thống này nhé!

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí