Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam không chỉ nổi tiếng là địa phương có nhiều di tích lịch sử góp phần viết lên những trang sử bi hùng với nhiều chiến công hiển hách của dân tộc, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp đến nức lòng du khách mà còn nổi danh với những sơn hào hải vị, những sản vật tinh hoa nức tiếng. Một trong những sản vật trứ danh của huyện Duy Xuyên mà bất cứ du khách nào khi đến đây cũng muốn sở hữu một vài món đồ để sử dụng hoặc để làm quà tặng cho người thân, bạn bè đồng nghiệp đó là lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu. Không ai biết chính xác lụa Mã Châu xuất hiện vào thời gian nào. Theo tương truyền và một số người già tại đẩy kể lại, nghề dệt lụa Mã Châu xuất hiện ở đây khoảng 4 - 5 trăm năm nay.
Sự hình thành và phát triển làng nghề Mã Châu có lịch sử hơn 400 năm ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam gắn với quá trình khai hoang lập làng và hoạt động kinh tế của người dân xứ Quảng. Sau khi người Việt thực hiện công cuộc “Nam tiến” thì người Chăm bản địa tại đây đã biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm và được thể hiện qua những tấm vải thổ cẩm với họa tiết Chăm đặc trưng. Do vậy, có thể nói làng nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa Mã Châu ngày nay được kết tinh từ sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm.
Ngay từ khi xuất hiện, lụa Mã Châu đã nức tiếng khắp nơi bởi sự tinh tế trong hoa văn và sự phối màu hài hòa của người thợ dệt. Lụa tơ tằm Mã Châu đẹp, bền nhờ được dệt từ những kén tơ do tằm được nuôi bằng lá cây dâu sinh trưởng từ nguồn phù sa màu mỡ do ba con sông Thu Bồn, Vu Gia, bồi đắp cùng với sự khéo léo, cẩn thận, tay nghề giỏi của người thợ.
Để có một sản phẩm lụa tơ tằm đạt chất lượng và thẩm mỹ, người thợ phải sản xuất, làm việc hết 100% tâm trí trong các công đoạn: nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa - tẩy nhuộm màu để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn mỹ nhất. Nhờ thế, lụa tơ tằm truyền thống Mã Châu sẽ có những đặc tính mà các vải lụa công nghiệp không thể có được, đó là: thoát nhiệt, thoát ẩm, chống hôi, chống độc tố. Theo những người lớn tuổi trong làng cho biết, thời phong kiến, lụa Mã Châu là một trong những sản vật để cống hiến cho triều đình nhà Nguyễn may trang phục cho các vua, hoàng hậu, hoàng tử công chúa và quan lại trong triều.
Khách hàng đến với Mã Châu không chỉ được tìm hiểu quy trình làm ra sản phẩm mà họ có thể cùng với nghệ nhân tham gia vào quá trình sản xuất, cảm nhận thực tế về sự tỉ mỉ chính xác của từng công đoạn. Đối với sản phẩm thủ công truyền thống, ngoài chất lượng và hình thức thì giá trị lao động của người thợ làm nghề là một phần quan trọng để đánh giá sản phẩm. Quy trình tạo ra sản phẩm của Mã Châu có gần 20 công đoạn, các kĩ thuật chính trong việc thiết kế mặt hàng và định hình sản phẩm gần như chỉ duy nhất 1 đơn vị nắm giữ. Việc tạo ra sản phẩm có thể trải dài ra nhiều ngày và phân bố cho nhiều hộ gia đình, là điều kiện thuận lợi để giữ chân khách du lịch lâu hơn, tiến tới làm du lịch cộng đồng.
Duy trì nghề truyền thống dệt lụa ươm tơ của địa phương không chỉ là một cách giữ gìn giá trị văn hoá của dân tộc mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân với chính nghề truyền thống của họ. Với nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng cao, thị trường cho dòng sản phẩm tơ lụa thủ công truyền thống rất lớn, đây là cơ hội cho làng nghề Mã Châu có thể sống lại những ngày phồn vinh.
Làng nghề Mã Châu nằm ở trung độ giữa tuyến du lịch trọng điểm Hội An – Mỹ Sơn, có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển tuyến du lịch giữa Hội An - Mã Châu- Mỹ Sơn. Khách du lịch có thể lựa chọn tour tham quan để được trải nghiệm làm nghề, cùng người dân ra đồng hái dâu, cắt lá dâu cho tằm ăn, canh tằm nhả tơ bủa kén, ươm tơ, phơi tơ, đánh ống, suốt sợi, dệt vải, nấu vải, giặt vải, nhuộm vải bằng màu tự nhiên từ cây lá hoa quả, phơi lụa..., tham quan các di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng nghề Mã Châu. Việc kết hợp du lịch trải nghiệm làng nghề không chỉ là cách đơn giản nhất, tiết kiệm chi phí nhất để quảng bá cho Mã Châu mà đây còn là cách nhanh nhất, lan toả nhất để đưa sản phẩm Mã Châu tiếp cận không chỉ khách hàng trong nước mà cả thế giới.