Lăng Khải Định (Ứng Lăng)

Lăng mộ vua Khải Định là một trong số các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào năm 1993. Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng (應陵) là 1 trong 7 hệ thống lăng tẩm đẹp nhất xứ Huế và là lăng mộ của vua thứ 12 nhà Nguyễn – Khải Định (1885-1925) toạ lạc trên triền núi Châu Chữ nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng được đánh giá là lăng mộ có kiến trúc nổi bật nhất, là công trình xây dựng cuối cùng của triều Nguyễn (1802-1945).

Lăng Khải Định ở Huế được khởi công xây dựng từ 4/9/1920, quá trình xây dựng lăng tẩm đẹp bậc nhất xứ Huế này kéo dài trong 11 năm. Tuy lăng vua Khải Định ở Huế là lăng tẩm có diện tích nhỏ nhưng lại thời gian hoàn thành lâu nhất trong 7 khu lăng của triều Nguyễn. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117m × 48,5m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Lăng Khải Định cũng là lăng duy nhất có sự giao thoa văn hóa Đông – Tây, kết hợp tinh tế của kiến trúc, văn hoá Đông và Tây. Tổng thể lăng Khải Định Huế là một khối nổi hình chữ nhật, gồm có 127 tam cấp, lấy cung Thiên Định làm trọng tâm qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan, tiếp đến là Nghi Môn và sân Bái Đính, trên cao là hai tầng sân, mỗi tầng cách nhau 13 bậc, Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất. Núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh Lăng được dùng làm các yếu tố phong thủy: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, … Những điều này giúp cho lăng Khải Định trở thành lăng tẩm độc đáo nhất trong các lăng mộ ở nước ta.

Cổng Tam Quan nổi bật với lối kiến trúc uy nghiêm, bề thế, là lối dẫn vào tham quan lăng Khải Định Huế, các trụ tại khu vực cổng Tam Quan được xây dựng theo phong cách Ấn Độ giáo cho thấy sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Việt Ấn độc đáo. Cấu trúc lăng xây hình chữ có chiều dài là 118m và chiều ngang 50m được phân bố theo một trục dọc với 127 bậc cấp chia thành 05 tầng sân. Để làm nên công trình đồ sộ và tráng lệ này vua Khải Định đã đặt mua sắt, thép, xi măng, ngói Ác Đoa từ Pháp, đồng thời cho những đoàn thuyền buôn sang tận Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản mua đồ sành sứ, thủy tinh màu trang trí nên những bức phù điêu nổi ở Thiên Định Cung.

Bước vào cổng chính uy nghi là tầng sân thứ nhất, hai bên có hai nhà Tả Hữu trực phòng, là nơi thờ tự các quan văn võ. Tầng sân thứ hai có nhà Bi đình, phía trước có dựng cửa Vũ môn được xây theo kiến trúc mỹ thuật của Nho giáo lấy từ điển tích“ Cá chép vượt vũ môn”. Nhà Bi Đình được xây theo kiểu bát giác, bốn mặt trổ cửa vòm xây theo lối kiến trúc Roman của Pháp, bên trong dựng tấm bia đá “Thánh Đức Thần Công’’ do vua Bảo Đại dựng để ghi công đức của vua cha mình là vua Khải Định. Trước sân Bái Đình hai bên trái phải đặt tượng các quan văn quan võ, binh lính, ngựa voi chia thành bốn hàng, theo nguyên tắc“tiền văn, hậu võ”,“tiền mã , hậu voi”. Cuối sân chầu là hai trụ biểu cao 10m, chóp trụ có kiến trúc Turstupa Ấn Độ, bốn góc của trụ trang trí hoa văn ảnh hưởng phong cách mỹ thuật kiến trúc Hy Lạp. Hai trụ biểu này được ví như hai ngọn đuốc sáng soi đường dẫn lối cho linh hồn nhà vua về với cõi vĩnh hằng.

Cung Thiên Định nằm ở tầng thứ 5 ở vị trí cao nhất và quan trọng nhất trong quần thể lăng, được xây dựng vô cùng công phu và tinh xảo, ở tiền sảnh các ô hộc trang trí hoa văn chữ hình chữ “triện” và mặt “hổ phù”. Cung Thiên Định có kết cấu 03 gian, gian giữa là Khải Thành Điện, nơi đặt án thờ và chân dung của vua Khải Định, bên trên là tượng đồng vua Khải Định, hai bên là nhà Tả Hữu trực phòng dành cho lính hộ lăng. Sau án thờ là Huyền Cung (mộ của vua), bên trong cùng là khám thờ nơi thiết đặt bài vị của vua Khải Định. Giữa Điện Khải Thành là chính tẩm, có Bửu Tán nặng 1 tấn làm từ bê tông cốt thép, với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác làm bằng nhung lụa nhìn vào vô cùng thanh thoát, mềm mại. Toàn bộ điện Khải Thành hoa văn trang trí gần như phủ kín các mảng tường, những hoa văn hay những phù điêu được sắp đặt trong các ô hộc hình vuông, hình chữ nhật (hoa văn đắp nổi lên một mặt, loại hình nghệ thuật này gọi là “Phù điêu”) thể hiện quan niệm “Tam giáo đồng đường” của vị vua trong việc cai trị đất nước.

Sự du nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique đến Roman… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: những cổng trụ hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Ðộ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây Thánh giá; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Đây là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sửcá tính của Khải Định. Lăng Khái Định là một công trình nghệ thuật và kiến trúc có giá trị , làm phong phú và đa dạng hóa quần thể lăng mộ hoàng gia ở Huế .

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 17:30 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa Thế giới

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: xã Thuỷ Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế
Diện tích: 5.674 m2

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí