Cồn Ràng ( Di tích Sa Huỳnh )

Cồn Ràng là một trong những khu mộ lớn nhất của văn hoá Sa Huỳnh từ khoảng 2.500 năm trước. Nền văn hoá rực rỡ biểu hiện một chặng đường phát triển của bộ phận dân cư trong khối cộng đồng cư dân Đông Nam Á được hình thành và phát triển trong thời đại kim khí ở miền Trung Việt Nam.

Vùng đất Cồn Ràng được biết đến là một địa điểm Văn hoá Sa Huỳnh sau khi được người dân địa phương tình cờ phát hiện vào năm 1987. Năm 1992, Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế khai quật lần thứ nhất. Tháng 5/1995, hai cơ quan trên tiến hành khai quật lần thứ hai. Kết quả các lần thám sát cho thấy, địa tầng văn hóa được phân biệt qua ba lớp. Lớp 1 sâu 30-35cm lớp 2 sâu 30-80cm lớp 3 sâu 80-120cm.

Đã phát hiện được các di vật: 30 mộ chum, các chum chôn đứng thành từng cụm, khoảng cách giữa các chum không đều nhau. Độ sâu của các chum cũng khác nhau. Chum có hai loại, loại hình trứng và loại hình trụ, kích thước 80-85cm, đường kính miệng 55-60cm. Các chum đều có nắp đậy hình nón cụt hoặc lồng bàn, hiện vật chôn theo cũng không theo một trật tự nào. Phần lớn mộ đều không có dấu hiệu của xương cốt mà chỉ thấy một số mẫu than đen nhỏ. Ngoài mộ chum còn tìm thấy hàng trăm chiếc vò, bình, nồi, đèn, bát, chén bằng gốm liềm, đục, dáo, dao, rìu bằng sắt và đồ trang sức bằng mã não, thủy tinh.

Cho đến nay công tác khai quật, khảo cổ ở di tích Cồn Ràng đã bước sang giai đoạn chỉnh lý và hoàn tất, đây là khu di tích lớn nhất về nền văn hoá Sa Huỳnh với số lượng phong phú về diện tích, di vật, mộ táng... Ngoài hơn 200 mộ chum lớn nhỏ, đoàn khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật quý, đặc trưng của nền văn hoá Sa Huỳnh được làm bằng các chất liệu như gốm, đá, mã não...Ngoài mảng hiện vật gốm phong phú về chủng loại, hình dạng và hoa văn, các nhà khảo cổ học đã bất ngờ tìm thấy hai hiện vật đồng tại di tích Cồn Ràng trong đó có một cán dao găm minh khí, hình khối tượng người có vai nở, bụng thót, mông bành. Đặc biệt, khối tượng bé nhỏ này thể hiện rõ phần tai đeo đồ trang sức, bên trái đeo khuyên tai hình vành khăn, bên phải đeo hoa tai hình hoa rau muống. Theo các chuyên gia khảo cổ, lần đầu tiên, hoa tai hình hoa rau muống được tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Sa Hùynh. Trước đó, chúng chỉ được phát hiện ít ỏi trong văn hóa Đông Sơn. Phát hiện quý giá này là cơ sở để các nhà khảo cổ học đi đến một giả thiết có tính khoa học, cho thấy mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn ở Cồn Ràng.

Ngoài những hiện vật giá trị phản ánh đời sống văn hoá của cư dân Sa Huỳnh, khu di tích khảo cổ Cồn Ràng còn chứa đựng nhiều yếu tố độc đáo để các nhà khoa học có thể căn cứ và đưa ra những nhận định mới, khác với những kết luận trước đây về địa bàn sinh sống, sự giao lưu với các nền văn hoá khác của cư dân Sa Huỳnh. Qua nghiên cứu từ thư tịch và thực địa, từ những hiện vật được khai quật khảo cổ cho thấy cư dân văn hoá Sa Huỳnh và cư dân văn hoá Chăm cổ có nhiều nét văn hoá chung như sở thích dùng đồ mã não, giỏi rèn luyện sắt, cùng dùng những hiện vật đặc trưng như: khuyên tai 2 đầu thú, đồ thủy tinh...

Hiện nay các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và tìm lời giải đáp từ nền văn hoá bị vùi sâu trong lòng đất hàng nghìn năm nay.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: thôn Phụ Ổ, phường Hương Chữ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí