Địa đạo Khu Ủy Trị Thiên Huế

Địa đạo Khu uỷ Trị Thiên Huế nằm ở khu vực Khe Trái, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 25 km theo hướng Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Trị Thiên nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng luôn là điểm nóng. Giữa năm 1967 thế và lực của ta trên chiến trường phát triển mạnh mẽ. Nắm vững thời cơ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế chủ trương chỉ đạo các địa phương trong Tỉnh đặc biệt là thành phố Huế phá thế kìm kẹp, phát triển cơ sở cách mạng trong lòng địch tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự, chính trị mở rộng vùng giải phóng, từng bước tăng cường sự chỉ đạo xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở khu vực giáp ranh và địa đạo khu uỷ Trị Thiên Huế ra đời trong hoàn cảnh đó.

Địa đạo được khởi công dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Tư Minh-Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Huế, Chỉ huy trưởng mặt trận Huế và đồng chí Đặng Kinh-Phó tư lệnh Quân khu, Ủy viên Thường vụ Khu ủy. Lực lượng đào địa đạo chủ yếu là đội công an bảo vệ, khoảng 30 người, công cụ chủ yếu là cuốc, xẻng (không dùng thuốc nổ vì sợ bị phát hiện).

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế bao gồm 02 địa đạo:

Địa đạo thứ nhất nằm ở gần ngay Khe Trái. Đây là địa đạo của Thành ủy Huế và cũng là địa đạo Khu ủy Trị Thiên, Thường vụ Khu ủy đã sử dụng trong suốt thời gian chuẩn bị chiến dịch và sau chiến dịch. Ngoài cửa địa đạo có làm nhà của Văn phòng và một số nhà nhỏ, có các hầm chữ A kiên cố, các chính sở ở đó làm công tác bảo vệ và tiếp khách.

Địa đạo gồm 3 cửa, cấu tạo theo chữ Y, nằm trên lưng chừng núi Mày Nhà, địa đạo gần suối nên thuận lợi cho quan sát và sinh hoạt. Xung quanh địa đạo nhà cửa dựng 2 bên suối, rãi rác trên các sườn đồi. Địa đạo dài khoảng 70 mét. Địa đạo gồm có 3 cửa: Cửa thứ nhất theo hướng chính Bắc, dài 4m, rộng 3m và cao 4m. Nối với cửa số 1 có 1 giao thông hào chạy theo hướng Đông Bắc, dài 20m, rộng 1m và cao 1,5m dùng làm đường đi xuống địa đạo và để thoát nước vào mùa mưa. Cách cửa số 1 về phía Tây khoảng 10m là cửa số 2, cửa số 2 nằm theo hướng Tây Bắc, kích thước cũng tương đương với cửa số 1, cửa này không có giao thông hào, vì thực tế cửa số 2 cao hơn cửa số 1 khoảng 0,5m nên muốn đi vào cửa số 2 thì phải đi qua cửa số 1. Cả hai cửa trên đều bị Mỹ đánh sập vào khoảng tháng 6/1968. Cửa thứ 3 hiện tại chưa được tìm thấy.

Địa đạo thứ hai nằm ở vùng núi đá thuộc đồi sân bay, cách xa địa đạo thứ nhất 1 giờ đi bộ đường rừng, địa đạo này xuyên qua núi đá, có bề dày lớn.

Địa đạo thứ 2 này cũng có cấu tạo hình chữ Y, gồm 3 cửa: Cửa số 1 dài 5m, rộng 3m và cao 2,5m theo hướng Đông Bắc. Về hướng Nam khoảng 35m là cửa số 2. Cửa số 2 có kích thước nhỏ hơn cửa số 1, dài 3m, rộng 2m, và cao 1,7m theo hướng Đông Nam. Nhà bếp cách cửa số 1 khoảng 50m về hướng Bắc, trên thực tế cái bếp là một cái hố có chiều dài 3m, rộng 2m và cao 1,8m, có 2 cửa lên xuống, thực ra đây là 2 dãy bậc nằm song song và có hướng Đông Bắc. Cũng như địa đạo thứ nhất, cửa thứ 3 vẫn chưa được tìm thấy. Từ địa đạo này có hệ thống thông tin liên lạc nối liền với địa đạo thứ nhất với các chỉ huy sở tiền phương ở hang núi đá Kim Phụng và chỉ huy sở đoàn 5 tại xã Thủy Xuân (Hương Thủy) trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Hệ thống đường giao thông liên lạc từ đây được nối liền và tỏa đi khắp vùng đồng bằng, thành phố trong chiến dịch tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Có thể khẳng định địa đạo Khu ủy là kiểu trụ sở của Bộ chỉ huy chiến dịch Mậu Thân 1968, một kiểu “cơ quan” của Quân khu, của Tỉnh ủy và thành ủy được xây dựng ở vùng rừng núi góp phần quan trọng trong thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1968. Khu ủy Trị Thiên-Huế đã sử dụng địa đạo như một đại bản doanh, nhất là thời kỳ chuẩn bị và sau chiến dịch Mậu Thân 1968. Tại địa đạo đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên-Huế. Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là một minh chứng hung hồn cho khả năng quân sự lỗi lạc của quân và dân ta, từ khó khăn ban đầu ta dần dành lại thế trận, chiếm thế chủ động trên chiến trường, chứng minh nghệ thuật chiến tranh nhân dân tài tình của quân đội ta.

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nằm ở khu vực Ke Trái, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận Di tích cấp Quốc gia vào ngày 13 tháng 02 năm 1996. Mặc dù có giá trị lịch sử to lớn, nhưng do sự phá hủy của chiến tranh và thời gian nên hiện nay không còn được nguyên vẹn. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có những đầu tư xứng đáng để Địa đạo Khu ủy trở thành địa điểm du lịch của Thừa Thiên Huế nói chung và Hương Trà nói riêng thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Khe Trái, xã Hương Vân, Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí