Vùng đất cố đô có một ngôi chùa mang tên chùa Huyền Không – một ngôi chùa kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Ấn Độ. Nơi đây trở thành điểm đến tìm về miền an yên và check in không thể bỏ qua khi du khách đến du lịch Huế.
Tiền thân của chùa Huyền Không ở Huế là một chùa nhỏ dựng lên bằng tre nứa vào năm 1973 ở phía Bắc đèo Hải Vân, huyện Phú Lộc. Sau đó vào năm 1978, chùa được sư Giới Đức cho chuyển về vị trí hiện tại, cửa chùa hướng về phía Đông Nam. Đến năm 1993, Chánh Điện chùa được xây dựng lại quy mô hơn, hoàn thành vào 2 năm sau đó.
1. Vẻ đẹp giao thoa kiến trúc Nhật – Ấn - Việt
Chùa Huyền Không sơn Trung vừa mang nét đẹp của nền văn hóa Phật giáo Nhật – Ấn vừa mang hơi thở của xứ Huế, đất Việt. Để vào chùa, bạn sẽ đi qua cây cầu bắc qua dòng sông Bạch Yến, rẽ trái 100m nữa là đến chùa. Cổng chùa cao lớn với 9 lớp mái, nổi bật là dòng chữ được đắp nổi “CHÙA HUYỀN KHÔNG”.
1.1. Kiến trúc Ấn Độ
Bảo tháp Đại Giác là công trình đặc biệt và nổi bật nhất của chùa Huyền Không Sơn Trung. Bảo tháp này được xây dựng mô phỏng theo nguyên mẫu là ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ. Tuy nhiên, kích thước của nó nhỏ hơn so với nguyên mẫu để hòa hợp với các công trình khác xung quanh. Bảo tháp có 1 tầng nền làm đế, bên trên là quần thể tháp 5 ngôi gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ. Tòa tháp chính có chiều cao 37 m có không gian bên trong khá rộng và được bố trí thành 6 tầng. Tòa tháp phụ có chiều cao khoảng 24m. Các đỉnh tháp đều có màu vàng, thân tháp màu trắng được chạm trổ nhiều hoa văn của xứ Ấn. Người ta sử dụng gạch đất sét nung với hệ dầm và cột bê tông để làm khung chịu lực cho ngọn tháp. Trong khi đó 4 tháp phụ đảm nhận vai trò trang trí và được thực hiện đối trọng, tạo sự cân bằng cho ngọn tháp chính trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như có bão hoặc động đất.
Chóp tháp có màu vàng rực rỡ và thân tháp với màu trắng nổi bật, chạm trổ nhiều hoa văn đậm chất Ấn Độ, tạo nên một góc check in đậm chất “ngoại quốc” trong khuôn viên ngôi chùa Việt ở đất cố đô. Tòa bảo tháp cứ thế đứng hiên ngang giữa đất trời, tạo nên một điểm nhấn ấn tượng cho chùa Huyền Không 1 ở Huế.
1.2. Kiến trúc Nhật Bản
Để tạo nên sự giao thoa tuyệt vời này phải kể đến các nét kiến trúc trong các công trình chùa chiền mang đậm phong cách Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ nhất ở kiểu mái Lương Đình ngói đỏ, các cột gỗ bóng loáng được trang trí bởi những chiếc lồng đèn lục giác. Đây là đặc trưng trong kiến trúc của xứ xở Phù Tang. Chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua, những chiếc đèn lồng sẽ khẽ lay động khiến bản thân cảm nên thư thái, bình an.
1.3. Kiến trúc Việt Nam
Nếu để ý, bạn sẽ thấy sự tinh tế và tỉ mỉ của các chi tiết chạm trổ điêu khắc qua thành kèo cột, xuyên xà. Những bức phù điêu có gam màu trắng và xanh lam làm tôn lên sự uy nghiêm của tứ linh long, lân, quy, phượng. Đây chính là nét dấu ấn văn hóa tiêu biểu của cung đình Huế.
2. Góc tĩnh tại trong lòng xứ Huế
Chùa được xây dựng hòa hợp với thiên nhiên xứ Huế, bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, yên bình khi đến đây. Bên trong chùa được trang trí với 500 giỏ phong lan quý luôn khoe sắc rực rỡ qua bàn tay chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ của các sư thầy. Tại đây còn có rất nhiều tiểu cảnh sân vườn khác kết hợp hài hòa với nhau khiến ta có cảm giác như đi dạo giữa rừng sinh thái vậy. Khu vực triền núi nằm dọc theo con đường dẫn vào chùa, bạn sẽ bắt gặp những tấm đá khắc chữ thư pháp điêu luyện thẫm đẫm sinh quan và đạo lý làm người. Bất cứ ai đến đây cũng phải dừng lại và suy ngẫm về Đạo và Đời.
Xứ Huế mộng mơ luôn có một sức hút diệu kỳ với lữ khác xa gần. Ngoài kinh thành Huế và những điểm đến nổi tiếng, vùng đất này còn có ngôi chùa mang tên Huyền Không. Bạn nhất định phải ghé thăm nơi này nhé!