Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng Huế gây ấn tượng với kiến trúc truyền thống cổ xưa, mang đậm bản sắc Nho Giáo. Đây là điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ lỡ trong hành trình về thăm cố đô để chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm và hiểu hơn về các giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Lịch sử hình thành Lăng Minh Mạng Huế

Minh Mạng kế vị vua Gia Long vào năm 1820 và đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc cải cách đất nước. Lúc bấy giờ, ông muốn xây một Sơn lăng để làm chốn nghỉ ngơi, thư giãn sau những lo toan triều chính và là nơi để hương hỏa sau khi băng hà. Để bắt đầu kế hoạch xây dựng, các quần thần đã mất đến 14 năm tìm kiếm vị trí phù hợp và cuối cùng đã chọn ngọn núi Cẩm Khê do nơi đây hội tụ đủ các yếu tố nước, núi và cây xanh. Sau đó, vua Minh Mạng đã đổi tên ngọn núi thành Hiếu Sơn và đặt Hiếu Lăng là tên gọi cho lăng tẩm của mình. Sau quá trình xem xét, phê duyệt các bản thiết kế, báo cáo về kiến trúc, đến tháng 4/1840 lăng bắt đầu xây dựng. Trong quá trình thi công, vua Minh Mạng lâm bệnh và băng hà. Một tháng sau đó, vua Thiệu Trị lên ngôi và tiếp tục xây dựng. Đến năm 1843, công trình Hiếu Lăng mới chính thức hoàn thiện.

Kiến trúc chuẩn mực của Lăng Minh Mạng Huế

Lăng vua Minh Mạng Huế có tổng diện tích khoảng 18ha, gồm 40 công trình lớn nhỏ được bố trí đối xứng. Các công trình được phân bố trên 3 trục lớn và song song với nhau, lấy đường Thần Đạo làm trung tâm. Hình thế của lăng Minh Mạng Huế có dáng tựa như một người đang nằm nghỉ trong tư thế gối đầu lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt. Hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên, vô cùng nhàn hạ.

Lăng Minh Mạng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng).

Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có La thành bao bọc. Cửa chính của lăng tên là Đại Hồng môn, là cửa chỉ để rước linh cữu của vua nhập lăng. Hai bên cửa chính là hai cửa Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn. Hồ Trừng Minh gồm hai nửa nối thông với nhau ở phía sau điện Sùng Ân nơi có ba cây cầu đá bắc qua, giống như hai lá "phổi xanh", bao bọc lấy điện Sùng Ân và các kiến trúc vòng ngoài nằm trên trục thần đạo (khu vực tưởng niệm). Ở giữa hai hồ Trừng Minh và Tân Nguyệt, trên đường thần đạo, là Minh Lâu. Hồ Tân Nguyệt hình vầng trăng non ôm lấy một phần khu mộ vua (Bửu thành). Bửu thành là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tường thành, bên trong, sâu bên dưới là mộ vua. Ở chính giữa hồ Tân Nguyệt có một cây cầu mang tên Trung Đạo kiều, nối Minh Lâu với Bửu thành và đường dạo quanh lăng. Phía sau Bửu thành là rừng thông xanh thẳm, đem lại một cảm giác u tịch. Trên mặt cắt kiến trúc dọc theo đường thần đạo, các công trình cao thấp theo một nhịp điệu vần luật nhất quán, âm dương xen kẽ, tạo nên nét đẹp riêng cho công trình kiến trúc lăng tẩm này. Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ. Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh co vòng quanh hai hồ nước và viền xung quanh lăng, xen lẫn với cây cối có các công trình kiến trúc nhỏ dùng để nghỉ chân ngắm cảnh như: đình Điếu Ngư, gác Nghênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan, Tạ Hư Hoài... làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên và duyên dáng tráng lệ.

Giá vé vào cửa:

- Người lớn: 100.000 VNĐ / lượt

- Người cao tuổi: 50.000 VNĐ / lượt

- Trẻ em: 20.000 VNĐ / lượt

Trong quần thể Lăng Minh Mạng hiện nay vẫn còn vô số các công trình cung điện được thiết kế khéo léo, nằm yên bình giữa những hàng cây xanh mượt, có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao trên tấm bản đồ lịch sử xứ Huế. Các công trình phụ đối xứng từng cặp như Tả Tùng Phòng trên Tịnh Sơn, Hữu Tùng Phòng trên Ý Sơn hoặc Tuần Lộc Hiên trên Đức Hóa Sơn, Linh Phượng Các trên Đạo Thống Sơn và Truy Tư Trai trên Phúc Ẩm Sơn, Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn, v.v cũng góp phần mang lại vẻ đẹp ấn tượng bậc nhất nơi Lăng Minh Mạng.

Lăng Minh Mạng với vẻ đẹp kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ điển cùng các gam màu truyền thống, đậm chất Nho giáo xưa với kết cấu trục đối xứng ấn tượng đã thật sự trở thành điểm tham quan lý tưởng nơi xứ Huế mộng mơ. Nếu có dịp về đây, nhất định phải một lần viếng thăm vị vua tài hoa bậc nhất triều Nguyễn đang yên nghỉ an yên nơi Lăng Minh Mạng bạn nhé.

Đang tải...
Đang mở cửa • Đóng cửa 17:30 PM

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Quốc gia

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: tọa lạc trên ngọn núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Diện tích: 18 ha

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí