Làng nón lá Mỹ Lam

Nằm ven theo con sông Như Ý dọc với đường tỉnh lộ 10A cách trung tâm Thành phố Huế 8km về phía Đông, làng Mỹ Lam thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề chằm nón có lịch sử gần 160 năm. Nón là biểu tượng của Việt Nam, là người bạn thủy chung của những người lao động một nắng hai sương. Trong nghệ thuật, chiếc nón trắng tinh khôi thể hiện sự dịu dàng và kín đáo của người phụ nữ Việt Nam.

Gần 160 năm đã qua, với bao thăng trầm của lịch sử nhưng nghề làm nón cũng đã nuôi sống biết bao thế hệ để đến hôm nay làng vẫn giữ được nghề chằm nón với khoảng 80% số hộ trong làng làm nghề mỗi khi nông nhàn.

Nón lá Mỹ Lam, đặc biệt là nón bài thơ đã trở thành “đặc sản” ở đây, nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản…

Nón lá Mỹ Lam nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất yêu chuộng. Nón lá là vật trang sức làm duyên thêm nét đẹp của những thiếu nữ và là vật che nắng hữu hiệu của nhiều người. Người dân quê đi chợ, đi làm ruộng không thể thiếu chiếc nón lá đội đầu. Nón lá đã gắn bó với cuộc sống của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng một cách tự nhiên và bền bỉ dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay.

Để có lá đẹp và tốt, người làm nón phải ra chợ, tự tay chọn lá. Lá được chọn thường là lá dừa hay lá gồi có màu xanh nhẹ. Lá được ủi nhiều lần thật thẳng và thật láng. Cái tài của người thợ làng Mỹ Lam là các múi nối sợi móc được giấu kín, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng. Sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã hình thành. Khi chiếc nón được khâu xong, thì người thợ sẽ đặt hoa văn, biểu tượng giữa hai lớp lá sao cho cân đối hài hòa trong không gian của chiếc nón, để khi soi lên trước ánh mặt trời, các hoa văn biểu tượng hiện rõ cân đối. Biểu tượng ẩn hiện trong nón lá bài thơ thường là hình ảnh cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, cầu ngói Thanh Toàn... Đi kèm theo các biểu tượng là một số câu thơ nổi tiếng viết về Huế được cắt bằng giấy bóng ngũ sắc, nổi bật giữa nền xanh trắng của lá nón.

Năm 2013, làng nón Mỹ Lam được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là thành quả xứng đáng cho việc giữ nghề truyền thống cho quê hương cũng như nét văn hóa đặc sắc này. Và việc công nhận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với làng Mỹ Lam, sẽ thu hút thêm nguồn lao động có tay nghề, tạo bước chuyển mạnh mẽ và chất lượng phát triển nghề chằm nón ở Mỹ Lam.

Một hộ làm nón Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Nghề nón là nghề truyền thống của cha ông để lại, tuy nghề thu nhập không bao nhiêu nhưng con cái cũng giúp đỡ được mình, mà mình cũng có thu nhập cho con cái ăn học, ở đây cũng có những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên từ nghề nón mà lên. Chúng tôi có câu thơ “Mỹ Lam - Phú Mỹ bao đời/Làng quê nón lá người người thiết tha/Bao năm vất vả mọi nhà/Nên nhân nên nghiệp cũng là từ đây”.

Mỗi dịp Festival Nghề truyền thống được tổ chức cũng đều là cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến với du khách trong và ngoài nước. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm các bà, các chị, đang ngồi giữa gian nhà khâu nón lá, tay thoăn thoắt nhưng miệng cười nói vui vẻ, lưu lại trong mỗi chúng ta một ấn tượng khó phai. Có cả trăm nghìn loại nón, mũ khác nhau, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng nhưng hình ảnh chiếc nón lá Mỹ Lam vẫn gần gũi và thân thương với người Việt Nam. Trong con mắt của bạn bè thế giới thì chiếc nón lá là hình ảnh đặc trưng cho trang phục truyền thống và sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam mềm mại, bình dị mà kiêu sa.

Càng đi sâu vào tìm hiểu càng thấy trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, nón Huế luôn có một sức sống mạnh mẽ. Dù xuất hiện ở khoảng không gian nào, chiếc nón vẫn mang đậm hồn quê, vẫn mang đậm hương đồng gió nội của những làng nghề truyền thống, nơi đã sản sinh ra nó.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Nghề thủ công truyền thống
Địa chỉ: Làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí