Chùa Ba La Mật

Chùa Ba La Mật tọa lạc ở thôn Nam Phổ, xã Phú Thượng (Phú Vang). Trên đường Nguyễn Sinh Cung dẫn từ Huế về Thuận An, qua khỏi địa phận phường Vỹ Dạ, nhìn sang bên phải bạn sẽ bắt gặp một chiếc cổng tam quan với kiến trúc giản dị, gần gũi, trên ngạch cửa có đề dòng chữ quốc ngữ chân phương, rõ ràng: Chùa Ba La Mật. Hãy một lần ghé thăm và chiêm bái để được đắm mình cùng một không gian thiền vị rất Huế.

Chùa Ba La Mật là ngôi chùa gắn với tên tuổi của một nhân vật lịch sử thuộc dòng họ Nguyễn Khoa danh giá của đất Kinh đô: Nguyễn Khoa Luận (tức Viên Giác Đại sư). Cụ Nguyễn Khoa Luận sinh ngày 2/7 năm Giáp Ngọ (1834), mất ngày 27/6 năm Canh Tý (1900), thọ 66 tuổi. Cụ có tự là Đàm Trai, biệt hiệu là Văn Tử. Sau ngày đi tu, có đạo hiệu là Viên Giác Đại sư, pháp danh Thanh Chân.

Cụ từng được triều đình nhà Nguyễn bổ qua các chức Án sát Thanh Hóa, Quảng Bình; Bố chánh Quảng Ngãi; Thị lang Bộ Binh (trật chánh tam phẩm); Bố chánh Thanh Hóa… Chức vị nào và ở đâu, cụ cũng đều thanh liêm mẫu mực, tư tưởng cấp tiến, trừ ác giúp nước, được dân yêu mến, kính trọng.

Tương truyền rằng, năm 1861 cụ Nguyễn Khoa Luận đỗ cử nhân khoa Tân Dậu, lần lượt được bổ làm quan ở nhiều địa phương. Bấy giờ, Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và chuyển sang đánh Bắc Kỳ, thấy được tình hình, cụ dâng sớ đề nghị cử người đi ngoại quốc để học pháo binh, mua súng và cải cách quân đội nhằm mục đích khôi phục và giữ gìn cơ đồ, nhưng triều đình không nghe theo, cụ lại bị nhóm chủ hòa châm biếm, vu khống. Kinh đô thất thủ (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn, triều đình công nhận quyền cai trị của người Pháp trong cả nước. Không muốn cúi đầu làm việc cho chính quyền “bảo hộ”, cụ treo ấn từ quan xuất gia cầu Phật. Chùa Ba La Mật do cụ làm Tổ khai sơn, tính đến nay đã gần 130 năm; là một trong những cảnh chùa nổi tiếng tôn nghiêm của Huế.

Tiếp nối Viên Giác Đại sư, trụ trì Ba La Mật là những bậc danh tăng xứ Huế như Viên Thành Đại sư, Trí Hiển Đại sư và Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Đức Trì.

Đảm nhiệm trụ trì hiện tại là Thượng tọa Thích Thường Chiếu. Đến đây Ba La Mật như hội đủ duyên lành, ngày càng trở nên phong quang, rạng rỡ. Khuôn viên chùa được mở rộng, điện thờ, tăng xá… được trùng tu, xây dựng mới quy mô; các sinh hoạt tu học, từ thiện xã hội… được chức thường xuyên, nghiêm trang với sự quy tụ tham gia của đông đảo tăng ni, phật tử các giới.

Bên phải chùa là nhà thờ tộc Nguyễn Khoa, nơi thờ các danh nhân Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn ký Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1993. Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ 2 bức tranh quý do chính họa sĩ Lê Huy Miến (Lê Văn Miến) vẽ chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận bằng phấn màu trên giấy (còn gọi là phấn tiên) rất sống động. Các bức tranh có tuổi đã trên trăm năm và còn giữ được khá tốt. Năm 2014, Hội Mỹ thuật Việt Nam do hoạ sĩ Lê Huy Tiếp (cháu nội của cụ Lê Huy Miến) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Bảo tàng dẫn đầu đã vào Huế tiếp cận. Đoàn đã tiến hành một số thao tác kỹ thuật để giúp bảo quản và lập hồ sơ cho 2 bức họa.

Cho đến ngày nay, ngôi chùa được nhiều người dân xứ Huế thường xuyên đến hương khói, khấn phật. Nhìn chung, những nét kiến trúc độc đáo của chùa Ba La Mật vẫn còn được giữ lại, khuôn viên chùa rộng khoảng 2.500m2, có la thành bao quanh. Chùa Ba La Mật được trồng nhiều cây xanh với những không gian thoáng mát, luôn mang đến cho du khách một cảm giác thoải mái, thư thái hơn. Tuy không nổi tiếng như những ngôi Cổ tự ở Cố Đô Huế, nhưng khi đến đây luôn có sự yên bình, khiến tâm hồn ta nhẹ nhõm, tĩnh tâm như lạc vào cõi niết bàn của chốn Phật. Đến với Chùa Ba La Mật, du khách như được trở về chốn thanh tịnh không vướng bụi trần, bên cạnh đó còn được lắng nghe về một dòng chảy lịch sử khi thực dân Pháp xâm lược nước ta thời kỳ đầu, ngoài ra còn được chứng kiến những di sản mà dòng họ cụ Nguyễn Khoa Luận để lại, ấn tượng sâu sắc về một dòng dõi danh giá thời nhà Nguyễn.

Đang tải...
Đang mở cửa • Mở cửa 24h

Chứng nhận: Di sản văn hóa cấp Tỉnh/Thành phố

Nhóm tài nguyên: Di Tích, Lịch Sử, Văn Hoá
Địa chỉ: Đường Nguyễn Sinh Cung, Thôn Nam Phổ, xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Đánh giá

0
0 đánh giá
Tuyệt vời
0
Rất tốt
0
Tạm được
0
Không thích
0
Tồi tệ
0

Báo chí